Mẹ ơi, xin đừng chì chiết con chỉ vì điểm số!

19-07-2023 00:22|Quỳnh Châu

"Mẹ ơi, xin đừng chì chiết con chỉ vì điểm số!" - đây vừa là câu nói đồng thời cũng là tâm sự nhói lòng của không ít người con vì áp lực học tập.

Sáng ngày 18/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đến thí sinh. Đề thi các môn thi năm nay được đánh giá có nội dung bám sát với chương trình học và khá “dễ thở” đối với phần lớn học sinh. Nhiều học sinh dự kiến điểm tổng các môn đạt được như mong đợi.

Dù vậy, trên thực tế không phải lúc nào kết quả cũng sẽ như kỳ vọng. Sau mỗi mùa thi, luôn có số lượng nhất định học sinh không đạt được điểm số kỳ vọng trước đó.

Phần đông trạng thái của các học sinh khi không đạt kết quả như mong muốn là buồn bã, chán nản. Thậm chí, một số học sinh xuất hiện cả phản ứng tiêu cực. Tuy nhiên, không ít cha mẹ vì vậy mà có những hành động, lời nói khiến con em mình cảm thấy tổn thương, tự ti.

H.T - một thí sinh vừa biết điểm thi chia sẻ: "Dù đã rất cố gắng nhưng điểm thi khối D01 của em chỉ được 21 điểm, số điểm này rất khó để đỗ vào các trường tốt. Có sự chuẩn bị tâm lý từ trước nhưng em vẫn rất buồn."

Nữ sinh cho biết sau khi biết điểm thi, thay vì an ủi và động viên, mẹ em lại tỏ ra thất vọng, so sánh điểm số của em với bạn bè, anh em. Những câu nói như "phí tiền học thêm", "học lắm điểm cũng vẫn thế", "con người ta",... cứ liên tục lặp đi lặp lại.

Ảnh minh họa.

Ngay cả việc em muốn học khối gì, thi trường nào, ngành nào cũng nhất mực theo ý mẹ. H.T cũng cho biết, hồi thi cấp 3, chỉ vì em không vào được lớp chọn khiến mẹ cảm thấy thất vọng lắm. Mẹ thường thở dài mỗi khi nghĩ đến chuyện học của em. Mẹ luôn đánh giá thấp sự cố gắng của em.

"Có nhiều lúc, em cảm thấy mình rất đáng thương. Sự cố gắng và nỗ lực của em không thể khiến mẹ hài lòng. Em cảm thấy thất bại không phải vì điểm thi mà là thất bại trước mẹ, không sao làm mẹ hài lòng được", nữ sinh nghẹn ngào.

Từ nhỏ, mỗi khi đi học về, em khoe được điểm 9 hay điểm 10, mẹ thường sẽ chép miệng: "Ôi dào, 9 với 10 bây giờ dễ như ăn cơm ấy mà". Lần khác thì mẹ bảo: "Có phải 39 bạn còn lại của lớp con đều được 10 đúng không?"; "Tại sao chỉ là 9 mà không phải 10?"; "Vì sao con không đứng nhất lớp?"...

Nữ sinh cho biết em cảm thấy dường như với mẹ không bao giờ là đủ. Nói đúng hơn, mẹ chưa bao giờ hài lòng về kết quả học tập của em. Khi đó, một cảm giác tủi thân, hụt hẫng ùa về khiến nữ sinh khép mình lại, ít sẻ chia với mẹ hơn.

T cũng nói rằng có nhiều lúc em thấy bị sốc khi mẹ thường xuyên gọi điện cho thầy cô giáo để dò hỏi xem: "Cái T nhà em xếp thứ mấy trong lớp?". Có khi mẹ lại gọi điện cho một số bạn trong lớp chỉ để hỏi: "Trên lớp, T nhà bác có thường xuyên phát biểu bài không?"…

Như thành thói quen, T vừa về đến nhà, khi chiếc cặp sách còn chưa kịp đặt xuống, mẹ em đã hỏi: "Nay con được mấy điểm?". Khi nhìn thấy mắt em cụp xuống, mẹ nói luôn: "Lại điểm thấp phải không? Lại không thuộc bài đúng không? Con với chả cái…".

Với nữ sinh T - khi ấy không gì đáng sợ bằng việc làm mẹ thất vọng, không gì đáng sợ bằng nhìn ánh mắt của mẹ, nghe những lời mẹ chì chiết… Có thời gian nữ sinh cảm thấy rất chán nản: "Áp lực bị điểm kém, áp lực mỗi khi mẹ đem ra so sánh với người này người khác, áp lực mỗi khi mẹ không công nhận sự cố gắng khiến em lúc nào cũng xoay vòng trong cảm giác chán nản, như người thừa."

Thực tế, không chỉ riêng mẹ của H.T, hiện nay phần lớn phụ huynh và xã hội đề cao điểm số, kết quả học tập và thậm chí nhiều học sinh còn bị tự ép mình vào khuôn mẫu đó. Chính vì vậy, khi không đạt được ước mơ, hoài bão dễ dẫn đến tinh thần bị suy sụp.

Vì vậy, phụ huynh cần hiểu đúng năng lực, nguyện vọng của con em mình. Nếu học sinh không đủ khả năng để đi theo con đường học đại học thì cha mẹ cũng không nên xem đó là một điều tồi tệ. Nên chấp nhận thực tế và lựa chọn một con đường khác phù hợp hơn với khả năng của con mình hoặc tìm những ngành nghề mà xã hội có nhu cầu cao, phù hợp với sở thích để định hướng cho con.

Với những học sinh không có khả năng học tập ở trình độ cao mà ép các con học tập các ngành không phù hợp thì chẳng khác nào đang "bắt cá leo cây". Ngược lại, đối với những học sinh có đủ năng lực học tập trình độ cao thì phụ huynh nên tạo điều kiện, không đánh mất ước mơ, hoài bão của con em mình.

Bầu Đức, Dũng "lò vôi", Lê Phước Vũ chưa từng học đại học

Vĩnh Phúc dẫn đầu cả nước về trung bình điểm thi tốt nghiệp

Thí sinh Nam Định đạt điểm 10 môn Văn duy nhất thi tốt nghiệp THPT năm 2023

Cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT 2023

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/me-oi-xin-dung-chi-chiet-con-chi-vi-diem-so-192760.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Mẹ ơi, xin đừng chì chiết con chỉ vì điểm số!
POWERED BY ONECMS & INTECH