Metro Nhổn - ga Hà Nội đón hơn 100 nghìn lượt khách/ngày, người dân cần lưu ý gì?
Tin từ Hanoi Metro (HMC), ngày thứ 4 vận hành (11/8) đoạn trên cao metro Nhổn - ga Hà Nội tiếp tục đón trên 100 nghìn lượt khách trải nghiệm. Công tác phục vụ được đảm bảo an toàn, chu đáo.
Như vậy trong hai ngày cuối tuần lượng khách đi trải nghiệm metro Nhổn - ga Hà Nội đoạn trên cao là hơn 160 nghìn lượt, tăng gấp nhiều lần 2 ngày trước đó.
Để phục vụ vận hành các đoàn tàu, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) và đơn vị vận hành (Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội - HMC) đã huy động hơn 300 người gồm cán bộ, kỹ sư, nhân viên lái tàu, nhân viên điều phối tại 8 ga của đoạn trên cao hướng dẫn, phục vụ người dân.
Ngày 11/8, ông Nguyễn Văn Hạnh (phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm) hòa vào dòng người háo hức đi trải nghiệm tàu metro đoạn Nhổn - Cầu Giấy.
Là người thường xuyên đi xe buýt, ông Hạnh nhận thấy thái độ nhân viên phục vụ tại các ga metro rất ân cần, niềm nở, nhiệt tình hướng dẫn hành khách.
Ông Hạnh đánh giá: “Từ cầu thang đến khi vào phòng lấy vé rất sạch sẽ, thoáng mát, các ghế cho khách ngồi chờ rộng, đẹp, gọn gàng. Các bảng chỉ dẫn ga đến/đi rõ ràng, người già mắt kém cũng dễ dàng đọc được”.
Sau khi trải nghiệm tàu metro, ông Hạnh đề xuất ngày lễ, Tết hoặc ngày nghỉ cuối tuần, đơn vị vận hành nên cho tàu chạy đến 23h mỗi ngày nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân.
Một bác sĩ làm ở Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết đã chờ đợi tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội rất lâu, nên chọn tàu metro đi làm ngay ngày đầu tiên tuyến vận hành.
“Tổng thời gian tôi đi tàu hết 8 phút, còn quãng đường đi bộ từ nhà ra ga và từ ga đến cơ quan là 1,16km. Như vậy, tôi có thời gian đi bộ rèn luyện nâng cao sức khỏe, đồng thời bảo vệ môi trường, đỡ tốn tiền xăng xe và bệnh viện đỡ được một chỗ để xe”, vị bác sĩ này chia sẻ.
Tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội là tuyến đường hướng tâm, chạy từ khu vực ven Thủ đô vào nội thành, khi khai thác toàn tuyến sẽ giúp giao thông Hà Nội giảm được áp lực phương tiện, ùn tắc.
Ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc HMC thông tin, với khả năng vận chuyển mỗi giờ được từ 15.000 đến 20.000 khách, nếu metro Nhổn - ga Hà Nội hoạt động hết công suất sẽ giảm được lượng lớn xe cá nhân di chuyển trên trục QL32 từ Cầu Giấy - Nhổn.
Lấy dẫn chứng từ metro Cát Linh - Hà Đông, ông Trường cho biết, khi chưa có tuyến này thì đoạn từ Ngã Tư Sở - Yên Nghĩa dài 10km thường xuyên ùn tắc. Tuy nhiên, khi tàu Cát Linh - Hà Đông hoạt động từ năm 2021 đến nay, liên ngành GTVT - Công an đã thông báo các điểm ùn tắc trên đoạn tuyến liên tục giảm.
Đoạn trên cao metro Nhổn - ga Hà Nội bao gồm 8 ga: Nhổn (S1); Minh Khai (S2); Phú Diễn (S3); Cầu Diễn (S4); Lê Đức Thọ (S5); Đại học Quốc gia (S6); Chùa Hà (S7); Cầu Giấy (S8).
Trong 3 tháng đầu, mở tuyến lúc 5h30 và đóng tuyến lúc 22h, thời gian chạy tàu 10 phút/chuyến. Thời gian tiếp theo, tùy theo nhu cầu hành khách sẽ điều chỉnh cho phù hợp nhu cầu đi lại của hành khách.
Để đảm bảo an toàn cho hành khách trong quá trình đi tàu, một lãnh đạo từng tham gia thi công tuyến metro này khuyến cáo hành khách nên tuân theo hướng dẫn của nhân viên nhà ga, bảo quản tài sản cá nhân tránh kẻ xấu lợi dụng nơi đông người trà trộn lấy cắp.
Nếu có trẻ em đi cùng, tuyệt đối không để trẻ tự do đi lại, phải luôn giữ tay trẻ trong suốt hành trình. Khi đứng chờ tàu (trên ke) hành khách phải đứng sau vạch kẻ vàng, không được thò đầu ra để nhìn tàu cũng như tiến sát mép ke ga gây nguy hiểm cho tính mạng.
Nếu chẳng may bị thất lạc đồ đạc trên nhà ga, hành khách nhanh chóng tìm đến nhân viên nhà ga để được hỗ trợ kịp thời.
>> Dân hào hứng trải nghiệm metro Nhổn-Cầu Giấy, kỷ lục 66.078 lượt khách đi tàu
'Biển' người đổ lên tàu metro Nhổn - ga Hà Nội ngày cuối tuần
Hôm nay, Metro Nhổn - ga Hà Nội vận hành: Giá vé bao nhiêu, thời gian nào được miễn phí?