Mít thơm lừng mùi sầu riêng, mít 'khủng' 40 kg/quả ở Việt Nam
Ở Việt Nam, có nhiều loại mít lạ như mít thơm lừng mùi sầu riêng, mít múi to khổng lồ, mít ruột đỏ au, mít không hạt... Những loại mít này có giá cao nhưng vẫn luôn đắt hàng.
Mít thơm lừng mùi sầu riêng
Gần đây, ở Cần Thơ, xuất hiện một giống mít mới rất kì lạ: nhìn bên ngoài giống quả mít tố nữ nhưng khi chín bổ ra lại thơm nức mùi sầu riêng.
Loại mít độc lạ này được anh Nguyễn Hữu Khang (ngụ quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) và anh trai trồng.
Anh Khang cho biết, cách đây vài năm, anh đi lao động ở Đài Loan (Trung Quốc). Ở xứ người, anh tình cờ được bạn cho ăn loại mít có mùi thơm giống như mùi sầu riêng. Thấy ngon, anh Khang hỏi mua giống và cắt nhánh đem về Việt Nam trồng.
Sau 18 tháng ghép cành, cây cho trái với khoảng 20 trái/cây, mỗi trái nặng từ 2,5-3 kg. Lá mít sầu riêng mỏng, dài, tán lá to, trên các nhánh cây có lớp lông bao phủ, thân cây lùn. Khi chín, gai của giống mít này không nhọn như các giống mít khác mà dẹp, mắt gai to và thưa.
Nhiều người đã thử và cho biết cảm nhận đầu tiên về giống mít này là múi mít dày, ráo, vị ngọt, bùi béo và hương thơm tựa mùi sầu riêng.
Do sản lượng ít nên giá bán loại mít này khá cao, khoảng 80.000 đồng/kg. Riêng cây giống, anh Khang bán tại vườn 200.000 đồng/cây.
Mít lạ cho quả nặng 40kg, múi to khổng lồ
Giống mít đặc biệt có một không hai này được trồng trong vườn của ông Nguyễn Thanh Sơn (ngụ huyện Chợ Lách, Bến Tre).
Chia sẻ với PV, ông Sơn cho biết, ở miền Tây có rất nhiều loại như mít dừa, mít thái, mít tố nữ, mít nghệ,... song ông thấy hiệu quả của những loại mít này chưa cao nên mong muốn tự mình lai tạo ra một giống mít đặc biệt mang tên ông.
Từ đó, lão nông này bắt đầu trồng nhiều loại mít và bắt đầu lai tạo chúng với nhau. Trong một lần tình cờ thụ phấn chéo các loại mít với nhau, ông Sơn không ngờ lại tạo ra một giống mít quý. Năm 2016, cây mít nghệ trong vườn nhà ông cho trái to bất thường, múi mít dày. Khi chín, múi mít cũng rất khủng, có màu vàng ươm nặng hơn 200gram, thơm ngon.
Sau gần 3 năm trồng thử nghiệm, mỗi cây đều cho từ 4-6 quả, mỗi quả trung bình nặng 20kg, cá biệt có quả nặng trên 40kg.
Ông đặt tên cho giống mít này tên là mít nghệ "Thanh Sơn", giống tên của ông. Giống mít này cho trái và múi đều to, rất dễ trồng, sau 18 tháng sẽ bói quả và có thể cho trái quanh năm không phụ thuộc vào mùa vụ. Đặc biệt, từ lúc hái xuống đến khi chín khoảng 7-10 ngày nên rất thuận lợi cho việc vận chuyển đi xa.
Thời điểm năm 2019, mít nghệ "Thanh Sơn" có giá bán cao gấp 2-3 lần so với mít khác, trung bình từ 80.000-150.000 đồng/kg. Có những lúc ông Sơn không có hàng để bán.
Mít có màu đỏ lạ ở miền Tây
Tại miền Tây, một số nhà vườn trồng loại mít siêu lạ, ruột đỏ au bán với giá cao ngất ngưởng song vẫn đắt hàng.
Nhà vườn đầu tiên và cũng là vườn trồng mít ruột đỏ nổi tiếng nhất thuộc sở hữu của lão nông Hai Trắng (Nguyễn Minh Trắng), ở xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang).
Mít ruột đỏ quả khá to, trọng lượng trung bình đạt trên 10 kg/quả. Mít thường được nhà vườn hái khi đã già quả. Sau khi hái 3-4 ngày mít sẽ chín thơm và đợi thêm 2 ngày nữa mới nên bổ mít, bởi khi đó là thời điểm mít thơm ngon nhất, ăn ngọt, ruột đỏ đúng chuẩn. Đặc điểm nổi bật nhất của loại mít này chính là múi đỏ au, cùi dày, thơm phức.
Năm 2021, mít ruột đỏ được các nhà vườn bán sỉ với giá 90.000 đồng/kg song vẫn không đủ hàng cung cấp cho các đầu mối. Hiện mít ruột đỏ được bán với giá khoảng 40.000-50.000 đồng/kg.
Mít không hạt, không mủ ăn được cả xơ
Mít không hạt của ông Trần Minh Mẫn (tên thường gọi Út Mẫn), ngụ phường Ba Láng, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ, luôn được thị trường ưa chuộng, tìm mua với giá cao. Năm 2021, khi giá mít Thái siêu sớm ở miền Tây giảm mạnh, chỉ còn từ 9.000-11.000 đồng/kg thì mít không hạt của ông Mẫn có giá tới 60.000 đồng/kg.
Ông Mẫn kể trên Báo Dân Việt, năm 2007, do 1ha vườn sầu riêng của gia đình thoái hóa nên ông quyết định đi tìm giống cây mới để thay thế. Trong lần đi dự hội thảo tại Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, ông được người bạn giới thiệu về một giống mít có nguồn gốc từ Myanmar. Thấy giống mít hiếm, chỉ còn lại 1 cây duy nhất nên ông xin người bạn cho chiết nhánh đem về quê trồng.
Khi cây lớn cho rất nhiều trái to (có trái nặng lên đến 20kg). Khi cắt trái ra, ông thấy lạ ở chỗ là không có hạt, múi và xơ (có thể ăn cả xơ) có màu vàng, cơm dày, vị ngọt thanh, tỏa mùi thơm nhẹ, không có mủ...
Năm 2010, ông Mẫn đem giống mít lạ tham gia Hội thi trái cây ngon - an toàn Nam Bộ và đã đoạt giải nhất. Sau đó, giống mít lạ của ông Mẫn đã được đặt là mít không hạt Ba Láng (tên địa danh, nơi ông Mẫn trồng loại mít này).
Ông Mẫn cho biết, mít không hạt là loại cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, ít phải sử dụng phân thuốc. Nhưng để mít không hạt đạt năng suất cao, cần phải được trồng vùng đất cao, đồi núi.