Elon Musk sa lầy chính trị, Tesla khủng hoảng chưa từng có: Doanh số lao dốc 13%, tương lai robotaxi mịt mù
Những rắc rối của Tesla hiện nay vượt xa khỏi màn đấu khẩu giữa CEO Elon Musk và Tổng thống Donald Trump.
Trong một loạt bài đăng cuối tuần qua, ông Trump cáo buộc Musk “đã hoàn toàn mất kiểm soát”. Dù câu chuyện chính trị cá nhân đang thu hút mọi sự chú ý, điều đáng lo ngại hơn là triển vọng tài chính của Tesla đang xấu đi rõ rệt – đến mức công ty có thể quay lại thua lỗ, và điều này không hề liên quan đến chính kiến của Musk.

Musk từng là nhà tài trợ lớn nhất cho chiến dịch tranh cử của ông Trump và góp mặt thường xuyên tại Mar-a-Lago cũng như Nhà Trắng trong những tháng đầu tiên. Ông được Trump bổ nhiệm vào vai trò cắt giảm biên chế liên bang trong một cơ quan mới tên là “Bộ Hiệu quả Chính phủ” (DOGE).
Tuy nhiên, sau khi ông Trump ký thông qua dự luật tăng thu và chi tiêu vào ngày 4/7, Musk tuyên bố sẽ thành lập một đảng chính trị mới, và mối quan hệ giữa hai người nhanh chóng biến thành đối đầu công khai trên mạng xã hội.
Cổ phiếu lao dốc, giới phân tích cảnh báo ‘hết chịu nổi’
Cổ phiếu Tesla đã giảm 6,8% trong phiên giao dịch đầu tuần này, phản ánh lo ngại của nhà đầu tư về hướng đi chính trị của Musk, bất chấp lời hứa của ông rằng sẽ “tập trung lại vào công ty”. Ngày hôm sau, cổ phiếu chỉ hồi phục nhẹ 1,3%.
“Việc Musk dấn sâu hơn vào chính trị, đặc biệt là chống lại giới chính trị truyền thống, đi ngược hoàn toàn với kỳ vọng của cổ đông trong giai đoạn then chốt này”, Dan Ives – nhà phân tích lạc quan lâu năm về Tesla tại Wedbush Securities – viết trong báo cáo.
Ives kêu gọi hội đồng quản trị Tesla thiết lập giới hạn với hoạt động chính trị của Musk, bởi công ty đang đứng trước giai đoạn quyết định với tham vọng xe tự lái và robot.
Tuy vậy, ông vẫn giữ khuyến nghị “mua vào” và đặt mục tiêu giá cổ phiếu là 500 USD. Trái lại, công ty phân tích William Blair đã hạ khuyến nghị xuống mức “trung lập” và cắt giảm dự báo lợi nhuận của Tesla.
Theo William Blair, gói luật mới của Trump không chỉ loại bỏ ưu đãi thuế 7.500 USD cho người mua xe điện, mà còn xóa bỏ mức phạt khí thải đối với các hãng xe không đáp ứng tiêu chuẩn môi trường liên bang.
Điều này khiến các hãng xe chạy xăng không còn nhu cầu mua tín chỉ môi trường từ Tesla – nguồn thu đã mang về 10,6 tỷ USD cho hãng từ năm 2019 và giúp công ty thoát lỗ nhiều năm liền.
Nếu không có khoản thu này, Tesla sẽ không có lợi nhuận ròng cả năm cho đến năm 2021 và đã thua lỗ trở lại trong quý I/2025, khi lợi nhuận ròng giảm tới 71% so với cùng kỳ năm trước do doanh số toàn cầu sụt giảm mạnh.
Robotaxi còn loay hoay, đối thủ đã vượt mặt
Musk khẳng định tương lai của Tesla sẽ xoay quanh AI, robot và xe tự lái. Nhưng dịch vụ robotaxi của Tesla hiện chỉ hoạt động thử nghiệm tại Austin, Texas, giới hạn cho một nhóm nhỏ khách hàng và vẫn cần nhân viên ngồi ghế trước giám sát.
Trong khi đó, Waymo – công ty xe tự lái của Google – đã triển khai robotaxi tại 4 thành phố lớn: Austin, San Francisco, Los Angeles và Phoenix. Họ còn lên kế hoạch mở rộng sang Miami và Washington DC vào năm sau, hợp tác với Uber.
Tesla thì chưa công bố thời điểm mở rộng dịch vụ hay khi nào có thể bỏ vai trò giám sát viên. Đáng lo hơn, đã xuất hiện nhiều video sự cố, như xe đi nhầm làn hay suýt đâm vào xe đang đỗ.
Doanh số toàn cầu của Tesla giảm 13% trong hai quý liên tiếp, ngay cả khi nhu cầu xe điện toàn cầu vẫn tăng – một dấu hiệu cho thấy Tesla đang mất thị phần nghiêm trọng.

Phần lớn lý do là cạnh tranh gay gắt từ các hãng xe truyền thống và làn sóng xe điện giá rẻ từ Trung Quốc. Hãng BYD của Trung Quốc đang trên đà vượt Tesla về doanh số EV toàn cầu trong năm nay, dù xe BYD chưa bán tại Mỹ.
Tình hình có thể tệ hơn từ 1/10, khi ưu đãi 7.500 USD chính thức hết hiệu lực. Lần gần nhất điều này xảy ra (năm 2019), Tesla đã phải giảm giá xe gần tương đương khoản ưu đãi mất đi.
Hôm thứ Ba, Tesla đăng trên X: “Nếu có lúc nào nên YOLO (chơi tới bến) cho việc mua xe, thì là bây giờ”.
Nhưng rắc rối lớn nhất có thể chính là Elon Musk. Hàng trăm cuộc biểu tình đã nổ ra trước các showroom của Tesla tại Mỹ, Canada và châu Âu trong nửa đầu năm 2025. Hình ảnh thương hiệu bị tổn hại khiến giá cổ phiếu sụt giảm liên tục.
Khi đó, ông Trump vẫn là đồng minh và đã tuyên bố sẽ mua xe Tesla, thậm chí còn tổ chức một sự kiện tại Nhà Trắng kêu gọi người dân Mỹ ủng hộ hãng xe của Musk.
Song hiện tại, Musk dường như đã thành công trong việc khiến cả hai phe chính trị... quay lưng.
“Ông ấy đã khiến tất cả mọi người tức giận – điều tưởng như không thể, nhưng ông ấy làm được,” Dan Ives nói với CNN. “Và bi kịch là vở kịch này vẫn chưa có hồi kết”.
Theo CNN
‘Đảng Nước Mỹ’ của Elon Musk: Ngòi nổ chia rẽ nội bộ phe Cộng hòa?
Cổ phiếu Tesla giảm 8% sau khi Elon Musk tuyên bố thành lập Đảng nước Mỹ