Mở lối cho doanh nghiệp “cất cánh”

23-07-2023 10:32|Thanh Bình

Hiện tượng điều kiện kinh doanh núp bóng dưới các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đang “trỗi dậy”, ngáng đường phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Tại "Diễn đàn phát triển kinh doanh - Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 19/7 vừa qua, nhiều ý kiến phản ánh tình trạng xung đột pháp lý giữa các luật cũng khiến doanh nghiệp không biết tuân thủ sao cho đúng.

Toàn cảnh “Diễn đàn phát triển kinh doanh: Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 19/07/2023.

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý I năm 2023, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp thành lập mới. Kết thúc 6 tháng đầu năm, có 113.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 2,9%. Tuy nhiên, vẫn có 100.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 19,7% so với cùng kỳ.

Những con số này cho thấy nhiều doanh nghiệp đang đuối sức, không chống chịu được trước bối cảnh cầu thị trường trong nước và thế giới sụt giảm mạnh kéo dài. Phía sau mỗi doanh nghiệp đóng cửa, ngừng hoạt động là hàng loạt người lao động mất việc làm, giảm thu nhập, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Trong khi cộng đồng doanh nghiệp và người dân phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có, yêu cầu tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và minh bạch cho doanh nghiệp trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Ấy thế mà tình trạng “pháp lý chồng pháp lý”, hiện tượng điều kiện kinh doanh núp bóng dưới các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đang “trỗi dậy”, ngáng đường phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam

“Để thực hiện một dự án bất động sản, doanh nghiệp phải cần tới 40 con dấu phê duyệt của bộ, ngành. Doanh nghiệp làm nhanh trong thời gian 2,5 năm, với doanh nghiệp chậm phải mất từ 5 -10 năm mới xong thủ tục dự án. Mỗi địa phương quan niệm thủ tục đầu tư dự án bất động sản khác nhau vì văn bản pháp luật chưa rõ ràng, ai hiểu như thế nào cũng được”, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam phản ánh.

Thực tế trên cho thấy vẫn xuất hiện tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức có dấu hiệu né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền, đẩy doanh nghiệp vào tình cảnh ngày càng khó khăn hơn. Việc này khiến nhiều công trình, dự án bị kéo dài, gây thất thoát, lãng phí, doanh nghiệp mất cơ hội đầu tư. 

Ở chiều hướng tích cực, Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất mới của thế giới với những thế mạnh riêng biệt như chi phí sản xuất thấp, nguồn nhân lực dồi dào, năng động, chính sách đầu tư cởi mở..v..v.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam là 6,5% trong năm 2023 và 6,8% trong năm 2024. Đây là mức tăng trưởng kinh tế cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Tờ báo tài chính nổi tiếng Financial Times của Anh đánh giá, lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã tăng đột biến lên mức cao nhất trong một thập kỷ vào năm 2022. Các tập đoàn nổi tiếng như Dell, Google, Microsoft và Apple đã chuyển một phần chuỗi cung ứng của họ đến Việt Nam trong những năm gần đây.

Việc tận dụng lợi thế vị trí gần Trung Quốc, chi phí thấp cùng với lực lượng lao động trẻ và được đào tạo tốt đã thu hút các nhà sản xuất. Ban đầu chỉ là sản xuất quần áo, giày dép, nhưng hiện nay Việt Nam đã trở thành địa điểm sản xuất các thiết bị điện tử cao cấp như AirPod của Apple.

Cùng dự đoán tương tự, theo Business Times, Việt Nam có thể trở thành “con hổ mới của châu Á” bởi Chính phủ Việt Nam đã và đang có những bước tiến vô cùng dứt khoác và phù hợp với xu thế, đặc biệt là nắm bắt được cơ hội giữa bối cảnh cả thế giới đang chìm vào khủng hoảng.

Trước yêu cầu của thực tiễn, các cơ quan chức năng cần khẩn trương tháo gỡ khó khăn về mặt pháp lý, khơi thông nguồn lực, thủ tục đầu tư, triển khai dự án đầu tư công trong ngắn hạn.

Ông Nguyễn Hồng Long - Phó Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp nói: “Tất cả những cơ chế chính sách cần phải xuất phát từ tiếng nói của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp. Tiếng nói từ hiệp hội, doanh nghiệp là tiếng nói cụ thể nhất, thực tế nhất để Chính phủ lắng nghe và thực hiện đổi mới về cơ chế chính sách”.

Mới đây, ngày 13/7/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 644/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Dĩ nhiên, cộng đồng doanh nghiệp luôn mong muốn những chỉ đạo của Thủ tướng sẽ được các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực thi nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần gỡ khó cho doanh  nghiệp. Hoạt động cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh phải là hoạt động thường xuyên, liên tục.

Cải cách môi trường kinh doanh cần phải được coi là động lực trực tiếp giúp doanh nghiệp vượt khó và đóng góp cho tăng trưởng của đất nước.

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/mo-loi-cho-doanh-nghiep-cat-canh-247909.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Mở lối cho doanh nghiệp “cất cánh”
    POWERED BY ONECMS & INTECH