Mở 'nút thắt' nhân lực sẽ giúp Việt Nam vươn cao trong chuỗi giá trị bán dẫn

20-09-2023 16:19|Thế Vinh

Giải quyết sớm bài toán về nhân lực chất lượng cao, Việt nam có cơ hội to lớn để vươn lên trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu.

Chuyển dịch sản xuất và xu hướng đa dạng hoá chuỗi cung ứng toàn cầu mang tới cơ hội cho Việt Nam tìm kiếm chỗ đứng trong ngành công nghiệp bán dẫn. Song, “giấc mơ” chỉ có thể trở thành hiện thực nếu bài toán về nhân lực được sớm giải quyết, cũng như xác định chính xác lợi thế trong mắt xích cung ứng.

Điểm nghẽn về công nghệ

Bên cạnh hoạt động sản xuất chip tiên tiến đang là vấn đề nóng toàn cầu, quy trình đóng gói và lắp ráp, đang dần nhận được nhiều sự chú ý.

Ngay cả những nhà sản xuất chip hàng đầu cũng đang nói về nhu cầu phát triển công nghệ đóng gói và xếp chồng tiên tiến hơn.

Chủ tịch TSMC Mark Liu cho biết năng lực hạn chế trong lĩnh vực này đang tạo ra sự tắc nghẽn trong nguồn cung cấp chip AI. Công ty bán dẫn Đài Loan đang là nhà sản xuất duy nhất cung cấp chip sử dụng trên bộ xử lý AI H100 và A100 mạnh mẽ của Nvidia.

Việt Nam có thể "đi tắt, đón đầu" bằng cách lựa chọn phát triển những lĩnh vực bán dẫn đòi hỏi ít chi phí đầu tư ban đầu như đóng gói hay thiết kế chip.

Ông Liu giải thích rằng những hạn chế về nguồn cung không phải do thiếu chip vật lý mà là do năng lực hạn chế trong các dịch vụ đóng gói chip tiên tiến, một bước quan trọng trong quy trình sản xuất.

“Chúng tôi không thiếu chip AI, mà điểm nghẽn nằm ở năng lực COWOS”, chủ tịch TSMC cho biết nhu cầu về COWOS đã tăng lên đột ngột, gấp ba lần chỉ trong một năm.

COWOS là kỹ thuật đóng gói chip tiên tiến được TSMC phát triển để kết nối các loại chip khác nhau lại với nhau. Quá trình này kết hợp một bộ xử lý đồ họa (GPU) với sáu chip nhớ băng thông cao cho phép truyền dữ liệu tốc độ cao và hiệu suất tổng thể cần thiết để đào tạo các mô hình ngôn ngữ lớn sử dụng trong AI.

Đóng gói chip tiên tiến đã nổi lên như một thị trường quan trọng của các nhà sản xuất chip hàng đầu như Intel, Samsung và TSMC trong cuộc đua sản xuất chip mạnh hơn bao giờ hết.

Intel cũng đặt mục tiêu tăng gấp bốn lần công suất đóng gói chip tiên tiến nhất của mình vào năm 2025, khi nhà sản xuất chip lớn nhất nước Mỹ đang tìm cách giành lại vị trí dẫn đầu toàn cầu về sản xuất chất bán dẫn.

Thiên thời, địa lợi

LightReading dẫn lời Maheshwari Bandari, chuyên gia phân tích tại GlobalData nhận định, với vị trí địa chiến lược quan trọng, “Việt Nam đang trở thành nhân tố then chốt trong quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Phát triển nhân lực bán dẫn chất lượng cao là ưu tiên của cả Việt Nam và Mỹ. Trong ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Mỹ Biden. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong khi đó, Reuters cho biết Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh mở rộng ngành sản xuất bán dẫn, thu hút các công ty nước ngoài ở cả ba phân khúc chính là lắp ráp - thử nghiệm - đóng gói, xưởng đúc và thiết kế chip.

Một giám đốc điều hành trong lĩnh vực bán dẫn Mỹ cho hay, Việt Nam có tiềm năng to lớn để vượt lên trong lĩnh vực lắp ráp và thiết kế chip thay vì phát triển xây dựng những xưởng đúc chip tiên tiến. Dù vậy, Việt Nam vẫn có thể tìm được chỗ đứng với những nhà máy chế tạo chip rẻ hơn, ít phức tạp hơn dành cho những vi xử lý kích thước lớn, vốn đang là phân khúc có nhu cầu cao, chẳng hạn như chip trong xe ô tô.

Theo đó, cơ hội lớn nhất của Việt Nam trong lĩnh vực lắp ráp chip là nhằm đón đầu xu hướng khi toàn ngành công nghiệp đang tìm cách giảm tình trạng “phụ thuộc” vào năng lực sản xuất ở Trung Quốc và Đài Loan, những nơi chiếm 60% tổng công suất toàn cầu tại phân khúc. Ngoài ra, thiết kế chip cũng là cơ hội mở ra cho bán dẫn Việt, do quy trình này đòi hỏi ít vốn đầu tư hay các chuyên gia hơn.

Mở nút thắt nhân lực, đưa công nghiệp bán dẫn vươn lên

Bài toán nhân lực chất lượng cao ngành bán dẫn đang là thách thức đối với mọi quốc gia trên thế giới. Tại Mỹ, Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn (SIA) ước tính nước này sẽ thiếu khoảng 67.000 lao động vào năm 2030. Với tốc độ phát triển của thị trường, lĩnh vực này sẽ cần đến 460.000 lao động vào thời điểm nêu trên.

Không có chuyên gia tay nghề cao, không thể "leo cao" trong chuỗi giá trị bán dẫn.

Trong khi đó, Trung Quốc đang tìm cách lôi kéo các kỹ sư Đài Loan để xây dựng ngành công nghiệp chip nội địa. Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho biết, nước này đang đối mặt tình trạng “thiếu hụt trầm trọng” nhân lực bán dẫn, lên tới 200.000 lao động tay nghề cao.

Tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, nhu cầu về nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn là 5.000 đến 10.000 kỹ sư/năm, trong khi thực tế chỉ đáp ứng được dưới 20% nhu cầu.

Đào tạo nhân lực ngành chip cũng là trọng tâm trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ J.Biden tới Việt Nam và trong các cuộc làm việc của thủ tướng Phạm Minh Chính tại Mỹ.

Đến nay, chính phủ Mỹ đã cam kết hỗ trợ 2 triệu USD cho các sáng kiến phát triển lực lượng lao động bán dẫn, cùng các phòng thí nghiệm giảng dạy và thực hành liên quan quy trình lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói bán dẫn.

Ông Vũ Tú Thành, người đứng đầu văn phòng Việt Nam của Hội đồng doanh nghiệp Mỹ - ASEAN, nói rằng Việt Nam chỉ có 5.000 đến 6.000 kỹ sư phần cứng có chuyên môn chip, so với nhu cầu dự kiến là 20.000 người trong 5 năm tới và tăng lên 50.000 người trong một thập kỷ.

Giải pháp tạm thời cho vấn đề này là sự xuất hiện của các kỹ sư nước ngoài nhằm thu hẹp khoảng cách nhân lực chất lượng cao. Song, khi ngành công nghiệp bán dẫn phát triển đến một ngưỡng nhất định, Việt Nam buộc phải có đủ lực lượng lao động chuyên môn để “leo cao” hơn nữa trong chuỗi giá trị bán dẫn.

Cường quốc sát Việt Nam chi 20 tỷ USD xây ‘siêu’ cầu vượt biển dài nhất hành tinh: Sử dụng 420.000 tấn thép, chứa đường hầm ngầm dài 7km

Khẳng định Việt Nam độc lập, tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, đóng góp trách nhiệm, hiệu quả trước các vấn đề toàn cầu

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/mo-nut-that-nhan-luc-giup-viet-nam-vuon-len-trong-chuoi-cung-ung-ban-dan-2191998.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Mở 'nút thắt' nhân lực sẽ giúp Việt Nam vươn cao trong chuỗi giá trị bán dẫn
    POWERED BY ONECMS & INTECH