'Mỏ vàng' đưa về 500.000 tỷ cho Việt Nam trong 6 tháng: 10 tỉnh thành đứng top đầu
Về doanh thu, "siêu đô thị" TP.HCM tiếp tục dẫn đầu với 515.000 tỷ đồng, Đà Nẵng xếp thứ hai khi thu về khoảng 82.300 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Cục Du lịch Quốc gia, trong 6 tháng đầu năm, ngành du lịch Việt Nam có nhiều tín hiệu tích cực. Cụ thể, Việt Nam đã đón gần 10,7 triệu khách quốc tế và 77,5 triệu lượt khách nội địa. Tổng doanh thu từ ngành du lịch ước đạt 515.000 tỷ đồng.
Trong đó, TP.HCM dẫn đầu cả nước về doanh thu và lượng khách, với 22 triệu lượt khách và tổng doanh thu gần 118.000 tỷ đồng. Mặc dù lượng khách và doanh thu đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng TP.HCM chỉ mới đạt 41% về lượng khách và 45% doanh thu so với kế hoạch năm.

Hà Nội đứng thứ hai về lượng khách với gần 16 triệu lượt, tiếp theo là Quảng Ninh (12 triệu lượt), Thanh Hóa (10,5 triệu), Ninh Bình (7,2 triệu), Kiên Giang (7 triệu lượt), Khánh Hòa (6,2 triệu), Nghệ An (6,2 triệu) và Đà Nẵng (5,8 triệu lượt).
Về doanh thu, Đà Nẵng xếp thứ hai sau TP.HCM, khi tổng thu từ bán lẻ và du lịch đạt hơn 82.300 tỷ đồng. Hà Nội đứng thứ ba với hơn 62.300 tỷ đồng. Các địa phương khác có doanh thu trên 10.000 tỷ đồng bao gồm Nghệ An, Khánh Hòa, Kiên Giang và Quảng Ninh.
Trong nửa đầu năm nay, TP.HCM tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu của mình. Thành phố không ngủ của Việt Nam hút khách nhờ vào các sự kiện lớn như diễu binh vào dịp 30/4 và kỳ nghỉ lễ dài Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, thống kê cho thấy mức chi tiêu trung bình của mỗi khách tại TP.HCM chỉ ở mức khoảng 2 triệu đồng, thấp hơn so với các địa phương khác như Hà Nội, Khánh Hòa và Kiên Giang, nơi có chi tiêu trung bình từ 4-5 triệu đồng.
Năm 2025, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón từ 22-23 triệu khách, vượt qua kỷ lục năm 2019. Với tình hình 6 tháng qua, các chuyên gia du lịch và giám đốc nhiều công ty lữ hành đánh giá con số này “hoàn toàn khả thi”.

Ông Bùi Thanh Tú - Giám đốc Marketing Công ty BestPrice, khẳng định: "Tôi cho rằng mục tiêu này hoàn toàn khả thi. Nếu duy trì mức trung bình khoảng 1,7 - 1,8 triệu lượt khách/tháng từ tháng 6 trở đi, thì mục tiêu 22 triệu không chỉ khả thi mà còn có thể vượt. Tuy nhiên, ngoài số lượng, ngành cũng cần nhìn vào chất lượng chi tiêu và hiệu quả lan tỏa của du khách đến các địa phương, cộng đồng".
Ông cho biết thêm, trong nửa cuối năm, đặc biệt là từ tháng 9 trở đi - vốn là mùa cao điểm đón khách Âu, Mỹ, Úc - thì ngành du lịch sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ: "Nếu không có biến động lớn về kinh tế hay địa chính trị, Việt Nam hoàn toàn có thể kỳ vọng các tháng 11 và 12 sẽ lập những mốc mới về lượng khách. Các thị trường xa có thời gian chuẩn bị lâu, nên cần chuẩn bị tốt sản phẩm và truyền thông từ bây giờ".
>>‘Mỏ vàng’ mang lại mỗi ngày hơn 120 tỷ cho thành phố đáng sống nhất Việt Nam
Một đặc khu của Việt Nam sắp có khu dịch vụ du lịch cao cấp trị giá 2 tỷ USD
Điểm khó của du lịch nội địa dịp hè, doanh nghiệp du lịch nhanh chóng điều chỉnh