'Mốc son chói lọi trong sự nghiệp cách mạng hào hùng của Hà Nội và đất nước'
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954) đã đi vào lịch sử như một mốc son chói lọi trong sự nghiệp cách mạng hào hùng của Hà Nội và đất nước; trở thành biểu tượng của lòng yêu nước quả cảm, sức mạnh phi thường, mong muốn hoà bình và khát vọng cháy bỏng giành lại nền độc lập của nhân dân Việt Nam.
Sáng 7/10, Ban Tuyên giáo Trung ương (T.Ư), Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Thành uỷ Hà Nội phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu".
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư; ông Nguyễn Xuân Thắng - Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng lý luận T.Ư, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Thành uỷ Hà Nội chủ trì hội thảo. Ảnh: PV. |
Toả sáng hào khí nghìn năm Thăng Long văn hiến và anh hùng
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nêu, kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) là dịp để nhìn lại, đánh giá những kết quả, thành tựu rất đáng tự hào của thành phố trong giai đoạn vừa qua.
Điểm lại quá trình bảo vệ, xây dựng, phát triển của Thủ đô Hà Nội trong 70 năm qua, ông Thanh nhấn mạnh, hiện nay, Hà Nội đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, toàn diện, đạt được nhiều thành tựu trên mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội.
"Hội thảo là cơ hội để lãnh đạo thành phố lĩnh hội, tiếp thu những ý kiến quý báu của các chuyên gia, nhà khoa học nhằm hiện thực hóa định hướng và mục tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu", ông Thanh nói.
Ông Nguyễn Xuân Thắng phát biểu đề dẫn hội thảo. Ảnh: PV. |
Trình bày đề dẫn hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng lý luận T.Ư - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu, ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954) đã đi vào lịch sử như một mốc son chói lọi trong sự nghiệp cách mạng hào hùng của Hà Nội và đất nước; trở thành biểu tượng của lòng yêu nước quả cảm, sức mạnh phi thường, mong muốn hoà bình và khát vọng cháy bỏng giành lại nền độc lập của nhân dân Việt Nam.
"Thời khắc linh thiêng đó toả sáng hào khí nghìn năm Thăng Long văn hiến và anh hùng, để từ đây mở ra một thời kỳ mới hết sức vẻ vang của Thủ đô Hà Nội - thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội", ông Thắng nhấn mạnh.
Theo ông Thắng, sau ngày tiếp quản Thủ đô, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội cùng nhân dân miền Bắc bước vào khôi phục, phát triển kinh tế - văn hóa, chung sức, đồng lòng xây dựng Hà Nội trở thành một trung tâm văn hóa, giáo dục, công nghiệp lớn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, cùng với miền Bắc đảm nhận vai trò là hậu phương lớn, vững chắc chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.
Hà Nội đã anh dũng, hiên ngang không khuất phục dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù, giành được nhiều chiến thắng vang dội, viết nên khúc tráng ca 12 ngày đêm và huyền thoại “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Thủ đô, đúng như dự báo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Mỹ sẽ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, Hà Nội đã đi đầu trong các phong trào yêu nước, tích cực chi viện sức người, sức của cho miền Nam ruột thịt; góp phần to lớn vào thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất non sông, đất nước. Sau ngày đất nước thống nhất, Hà Nội đã cùng cả nước vững vàng đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
"Trải qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Hà Nội của chúng ta – “trái tim của cả nước” – đã không ngừng phát triển toàn diện và bền vững, đạt được những thành quả hết sức to lớn, xứng đáng là Thủ đô nghìn năm văn hiến, văn minh và anh hùng – nơi “lắng hồn núi sông”, hội tụ, kết tinh và toả sáng những giá trị cao đẹp của dân tộc Việt Nam", ông Thắng nêu.
Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: PV. |
Hà Nội bứt phá, đi đầu trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, 70 năm qua, từ thực tiễn xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô đã dệt kết nên những bài học kinh nghiệm quý báu. Cùng với cả nước, Hà Nội đang bừng sáng lên với một tư thế mới, diện mạo mới, sức sống mới.
Theo ông Thắng, phát triển Thủ đô Hà Nội là một nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; là trách nhiệm, nghĩa vụ của cả hệ thống chính trị, và là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội. "Vận hội mới của đất nước cũng chính là vận hội mới cho Thủ đô. Tầm nhìn mới của Thủ đô sẽ góp phần hiện thực hoá tầm nhìn phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới", ông Thắng nhấn mạnh.
Ông Thắng gợi mở một số vấn đề, trong đó, Hà Nội cần trân trọng giữ gìn và phát huy di sản văn hiến vô giá của Thủ đô, cũng là của đất nước mà Tổ tiên cùng các thế hệ cha ông ta đã để lại. Hà Nội phát huy những nét đẹp của người Hà Nội “thanh lịch, trang nhã, hào hoa, nhân ái, nghĩa tình, thủy chung, trong sáng” tiêu biểu cho văn hoá, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam; khơi dậy ý chí, niềm tự hào và khát vọng phát triển của mọi tầng lớp Nhân dân Thủ đô.
Lưu ý Hà Nội phải tiếp tục đi đầu cả nước trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản; đồng thời, Hà Nội phải trở thành đô thị hiện đại, thông minh, xanh, đáng sống, an toàn và mến khách; là trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước.
"Hết sức quan tâm đến cuộc sống của nhân dân; lấy người dân Thủ đô là trung tâm của quá trình phát triển. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng kết nối ngày càng hiện đại, đồng bộ; xử lý hiệu quả những vấn đề về cảnh quan đô thị, ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông, hệ thống y tế, giáo dục…để tạo cho Hà Nội một diện mạo mới, xứng tầm vị thế Thủ đô", ông Thắng nói.
Ông Thắng cũng cho rằng, Hà Nội cần khai thác sự hội tụ giữa nguồn lực của cả nước, vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, hoàn thiện thể chế quản trị đô thị hiện đại, mang đẳng cấp khu vực và toàn cầu, coi đây là khâu đột phá chiến lược để khắc phục những khó khăn, hạn chế trong việc thúc đẩy 5 trụ cột phát triển Thủ đô: văn hóa và di sản; phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn; hạ tầng đồng bộ, giao thông văn minh, hiện đại; kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, để Hà Nội tiếp tục bứt phá, đi đầu trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Khách Tây ngồi vỉa hè Hà Nội ăn món 'quốc dân', liên tục nói 1 từ
Hiện trường hơn 200 bộ hài cốt vừa được phát hiện giữa Hà Nội