Mới 19 tuổi đã hỏng thận, nguyên nhân là do chàng trai hay ăn uống kiểu này: Bác sĩ đưa ra lời khuyên đơn giản bảo vệ sức khỏe thận
Đây có thể là thói quen ăn uống của nhiều bạn trẻ hiện nay.
19 tuổi nhưng đã chạy thận 10 năm
Lại Văn Giáp (19 tuổi, ở Ninh Bình) đã có mặt tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Cậu là một trong số những bệnh nhân chạy thận định kỳ ca sớm nhất của khoa Thận nhân tạo. Dù đang ở tuổi thanh xuân đẹp nhất với nhiều ước mơ và hoài bão nhưng Giáp đã có thâm niên chạy thận 10 năm nay. Suốt thời gian qua, Giáp luôn ám ảnh về bệnh tật, thậm chí có thời điểm cậu bi quan tới mức hận chính mình và cả người thân.
Cậu bị viêm cầu thận phải đi cấp cứu tại BV Nhi Trung ương khi mới 5 tuổi, sau đó đã được điều trị ổn định. Khi ra viện, Giáp được các bác sĩ hướng dẫn việc dùng thuốc và chế độ ăn uống chi tiết nhưng tới khi 9 tuổi, Giáp lại phải vào viện một lần nữa vì căn bệnh này.
Theo chuyên trang Phụ nữ & Pháp luật, cậu bé Giáp 9 tuổi vẫn nhớ như in lần cấp cứu năm ấy. “Tại viện, các bác sĩ nói em bị suy thận giai đoạn cuối, phải lọc máu màng bụng, nếu không sẽ khó duy trì được sự sống. Nguyên nhân khiến em rơi vào tình trạng nặng như vậy là do không kiêng khem, uống nước theo lời dặn của bác sĩ, lại thường xuyên ăn mặn, ăn nhiều thịt... Lúc đó, em thấy giận bố mẹ lắm. Khi lớn lên, suy nghĩ chín chắn hơn, em mới hiểu được nỗi vất vả của bố mẹ, khi phải kiếm tiền nuôi 8 người con, nên không để ý kỹ lưỡng được việc ăn uống của em”, Giáp tâm sự.
Do mới còn nhỏ đã phải sống xa nhà nên tâm lý Giáp cũng bị ảnh hưởng nhiều. Thậm chí, cậu còn cáu gắt với bản thân, rồi gây sự với những người sống cùng xóm trọ, khiến nhiều người xa lánh.
Đến năm 17 tuổi, suy nghĩ của cậu bé quê Ninh Bình mới có những thay đổi, khi nhìn cuộc sống tích cực hơn và tự đặt ra mục tiêu mới. “Em đang đi học sữa chữa điện tử để sau này có tay nghề sẽ tự kiếm và tích lũy tiền, hy vọng có cơ hội được ghép thận. Chỉ có như vậy em mới có thể được sống là chính mình, không phải phụ thuộc vào máy móc”, Giáp nói.
BSCK II Nguyễn Đăng Quốc - Trưởng khoa Thận Nhân tạo (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết, Lại Văn Giáp là một trong số những trường hợp nhỏ tuổi nhất đang chạy thận ở khoa. Trong quá trình chạy thận, bệnh nhân phải tuân thủ nghiêm ngặt những hướng dẫn của nhân viên y tế, đặc biệt, chế độ ăn uống hàng ngày rất quan trọng. Bệnh nhân cần ăn nhạt hơn người bình thường, dùng ít thịt đỏ và ngay cả việc uống nước cũng cần theo khuyến cáo riêng.
Với trường hợp bị suy thận mạn, hiện có 3 phương pháp điều trị chính là lọc máu màng bụng, lọc máu bằng chạy thận nhân tạo và ghép thận. Trong đó, ghép thận vẫn được coi là phương pháp tối ưu nhất, tuy nhiên do nguồn thận hiến còn hạn chế, chi phí ghép cao nên số bệnh nhân được ghép thận còn không nhiều.
Đối với việc chạy thận lọc máu định kỳ, bác sĩ Quốc cho biết, hiện đã có nhiều tiến bộ về kỹ thuật vì thế chất lượng sống của người bệnh được nâng cao. "Trước đây, một người chạy thận chỉ có thể kéo dài cuộc sống khoảng 13-14 năm thì nay có thể lên tới 20 năm hoặc hơn thế nữa. Thực tế tại khoa Thận nhân tạo của viện cũng đang có bệnh nhân lọc máu 20 năm vẫn ổn định", bác sĩ Quốc thông tin.
Làm thế nào thể bảo vệ sức khỏe thận?
Để bảo vệ 2 quả thận, bác sĩ Nguyễn Đăng Quốc tư vấn mọi người, nhất là người trẻ cần lưu ý những vấn đề sau:
- Trong ăn uống cần cân bằng các nhóm chất, tránh những đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh, nước uống có ga… Các loại thực phẩm này sẽ gây thừa cân - béo phì, tăng nguy cơ mắc bệnh rối loạn chuyển hoá.
- Nên xây dựng cho mình lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể dục thể thao để nâng cao sức khoẻ, tránh nguy cơ rối loạn chuyển hoá.
- Làm việc học tập vừa sức, tránh stress, căng thẳng quá mức. Làm việc và học tập phải có thời gian nghỉ ngơi, tránh thức khuya.
- Khi ăn uống cần đảm bảo vệ sinh, tránh ăn những thực phẩm chứa chất bảo quản không tốt cho thận.
- Cần đi khám sức khoẻ định kỳ để phát hiện bất thường sớm.
- Kiểm soát đường huyết và huyết áp ổn định là cách đơn giản để bảo vệ chức năng thận.
*Nguồn và ảnh: Chuyên trang Phụ nữ & Pháp luật.