Một câu chuyện pháp luật
Luật ở trên trời, cuộc đời dưới đất”. Đây là một nhận xét mà các nhà xây dựng chính sách ở VCCI từng tổng quát nhiều năm trước sau quá trình dài phân tích, góp ý cho các luật liên quan đến doanh nghiệp.
Trên thực tế đã có nhiều nỗ lực từ cơ quan lập pháp, hành pháp nhằm rút ngắn khoảng cách này để luật đi vào cuộc sống. Luật pháp cần được thiết kế sao cho vừa quản lý nhà nước hiệu quả, vừa tạo ra hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp và người dân phát triển mới là lựa chọn tốt nhất, chứ không phải cách tiếp cận “không quản được thì cấm”.
Cân bằng được các mục tiêu trên không phải dễ dàng.
Mấy năm gần đây, dư luận lên tiếng về hiện tượng các ngân hàng thương mại yêu cầu phải mua bảo hiểm mới được vay hay được giải ngân khoản vay sớm, làm tăng thêm chi phí đầu vào của doanh nghiệp, người dân. Thậm chí có tình trạng lạm dụng tín nhiệm, đưa thông tin sai lệch để lừa khách hàng ký hợp đồng bảo hiểm. Nỗi bức xúc này lớn đến nỗi nhiều cơ quan đã lên tiếng và có văn bản chỉ đạo.
Tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 vừa qua của Quốc hội, có một số ý kiến của đại biểu cho rằng, nên cấm ngân hàng thương mại liên kết bán bảo hiểm; cấm bán chéo bảo hiểm nhân thọ… Có ý kiến thậm chí còn tăng thêm sức nặng bằng cách mô tả rằng, có người vay 300 triệu mà phải mua bảo hiểm 20 triệu, cầm về được có 280 triệu đến nỗi “nước mắt chảy dài kèm tiếng khóc nấc”…
Đó là cuộc đời đấy. Nếu hiện tượng trên xấu xa đến mức như vậy, thì cấm luôn cho đỡ nhức đầu?
Nhưng cuộc đời cũng không đơn giản. Rất may, một số đại biểu có chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn đã ý kiến phản bác, rằng nước ngoài người ta đã làm việc này cả trăm năm nay, không có vấn đề gì do có cơ chế giám sát, thanh tra chặt chẽ, công khai, minh bạch. Các ngân hàng muốn ép khách hàng cũng không dám, không thể ép được.
Và lại cũng thật may, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thẩm tra, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã có quy định khá hợp lý khi chỉ cấm ngân hàng ép khách hàng mua các loại bảo hiểm “không bắt buộc” khi cho vay, chứ không “cấm tiệt” chuyện ngân hàng bán bảo hiểm.
Cách tiếp cận này cho thấy, cuộc sống và luật pháp gần với nhau hơn.
Tuy nhiên, Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) vốn được thiết kế để điều chỉnh, quản lý ngành ngân hàng lại giao thêm trách nhiệm kiểm tra, thanh tra, giám sát… các hoạt động của ngân hàng liên quan đến chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu cho ngành tài chính.
Đương nhiên, ngành tài chính phải nhận nhiệm vụ này nhưng có vẻ nhiệm vụ “thanh tra, kiểm tra, giám sát” các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng liên quan đến bảo hiểm, chứng khoán, trái phiếu… lại không thuận tay. Tài chính và ngân hàng, tưởng là hai lĩnh vực gần nhau, nhưng lại khác nhau.
Nhiều lần, nhất là sau kỳ họp thứ 6 hồi tháng 10-2023, ngành tài chính đã có văn bản góp ý với ban soạn thảo không nên quy định trách nhiệm của ngành tài chính như vậy. Vấn đề nằm ở chỗ, trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, giám sát các ngân hàng phải thuộc về cơ quan quản lý ngân hàng với bộ phận thanh tra đông đảo, nghiệp vụ, chuyên môn phù hợp; còn ngành tài chính chẳng thuận tay về quản lý ngành, trong khi đã có nhiều việc khác.
Mặt khác, thực tiễn nhiều vụ việc gần đây liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, chuyện ngân hàng bán bảo hiểm… vừa qua cho thấy: nếu các ngân hàng được giám sát chặt hơn, công khai, minh bạch hơn thì đã không xảy ra chuyện “bia kèm lạc” trong hoạt động cho vay và cũng không xảy ra chuyện “treo đầu dê bán thịt chó” khi mập mờ trong cung cấp sản phẩm tín dụng với trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Điều ấy cũng phù hợp với báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội trong nhiều kỳ họp qua là: “thực thi pháp luật vẫn là khâu yếu”.
Nguyên tắc chung về thanh tra, kiểm tra, giám sát… phải tuân thủ pháp luật chuyên ngành, dựa trên quan hệ quản lý. Ví dụ, ở trường hợp này, tổ chức niêm yết, tổ chức cung cấp dịch vụ, bao gồm cả các ngân hàng là doanh nghiệp niêm yết sẽ theo pháp Luật Chứng khoán; doanh nghiệp bảo hiểm, bao gồm các đại lý bảo hiểm tổ chức của các tổ chức tín dụng. Do vậy, việc thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng phải là phạm vi và trách nhiệm của cơ quan quản lý ngành ngân hàng, trong đó sẽ phải bao gồm cả việc các ngân hàng cung cấp các dịch vụ về chứng khoán và đại lý bảo hiểm.
Ở góc độ khác, việc quy định trách nhiệm của ngành tài chính hay thanh tra trong Luật (điều 206, 207) vô hình chung lại lấy đi nhiều quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với hệ thống ngân hàng.
Ở góc độ lớn hơn, một số đại biểu đề nghị phải có một cơ quan giám sát tài chính độc lập, bên cạnh mô hình thanh tra, giám sát ngân hàng tại Luật Ngân hàng nhà nước, phù hợp với kinh nghiệm quốc tế.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc thành lập một cơ quan giám sát tài chính độc lập là một định hướng rất lớn, thay đổi về mặt thiết kế hệ thống quản lý nhà nước đối với hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia. Do vậy, vấn đề này cần được nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng và cụ thể và ở lần sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng lần này chưa nghiên cứu, bổ sung vào được.
Dông dài như vậy để thấy: nguyên lý phải đưa cuộc sống vào luật không phải lúc nào cũng có thể thực hiện triệt để. Bởi vì, nguyên lý ấy còn phụ thuộc vào một nguyên lý khác là pháp luật thường “lạc hậu” hơn so với cuộc sống.
>> NHNN yêu cầu không tổ chức đi chúc Tết, tặng quà lãnh đạo cơ quan trong ngành ngân hàng