Một cổ phiếu ngân hàng được khuyến nghị MUA với kỳ vọng tăng 18%
Cổ phiếu ngân hàng vẫn có thể chọn lọc cơ hội, song mức định giá của nhiều mã đã về mức hợp lý chứ không còn quá rẻ.
Năm 2023 là năm thứ 7 Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HoSE: STB) thực hiện tái cơ cấu theo đề án đã được phê duyệt. Ngân hàng đã hoàn thành chỉ tiêu quan trọng khi xử lý thành công 21.576 tỷ đồng lãi dự thu vào năm ngoái.
Tính đến 31/08/2023, Sacombank đã trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo đúng quy định đối với tất cả các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng bao gồm trái phiếu VAMC; lũy kế từ khi triển khai Đề án trích lập và phân bổ gần 35.600 tỷ đồng. Như vậy sau 6 năm thực hiện đề án tái cơ cấu, Sacombank đã hoàn thành xử lý 96.000 tỷ đồng nợ xấu.
Sacombank tập trung trích lập dự phòng rủi ro từ trái phiếu VAMC, trong 6 tháng đầu năm ngân hàng đã trích lập hơn 2.300 tỷ đồng dự phòng rủi ro cho khoản mục này. Từ tháng 9, Sacombank sẽ không còn trích lập dự phòng rủi ro cho khoản trái phiếu này do đó chi phí dự phòng rủi ro sẽ giảm từ tháng 9 giảm gánh nặng dự phòng rủi ro trong quý 4/2023 hỗ trợ mạnh đến lợi nhuận của ngân hàng.
Năm 2023 Sacombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế, 9.500 tỷ đồng, tăng trưởng 50%, kết thúc nửa năm ngân hàng đã hoàn thành 50% mục tiêu trên. Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) dự báo năm 2023 ngân hàng sẽ hoàn thành vượt mức kế hoạch trên với mức lợi nhuận trước thuế, đạt 9.750 tỷ đồng (103% kế hoạch).
Cho năm 2024, MASVN kỳ vọng Sacombank sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ chi phí dự phòng rủi ro giảm mạnh và đạt 14.000 tỷ lợi nhuận trước thuế, tăng 46,6% so với mức thực hiện năm 2023.
Gía cổ phiếu STB 3 tháng qua. |
Dự báo mức giá trị sổ sách (GTSS) của STB vào cuối 2023 đạt 24.200 đồng/cổ phiếu, MASVN đưa ra mức P/B mục tiêu là 1,5 lần do kỳ vọng tăng trưởng cao trong năm 2024. Theo đó giá mục tiêu của STB sẽ đạt 36.300 đồng/cổ phiếu (+18%). MASVN cũng khuyến nghị tăng tỷ trọng đối với STB.