Nổi tiếng với những công trình dát vàng, vị đại gia này cũng thể hiện quyết tâm xây dựng các con đường cao tốc chất lượng và thân thiện với môi trường.
Mới đây, tại Khu công nghiệp Tiên Sơn (Bắc Ninh), Tập đoàn Hòa Bình đã khánh thành đoạn cao tốc mẫu xây dựng theo công nghệ mới nhất và thử nghiệm vận hành tàu dát vàng chạy ở đường sắt trên cao. Đồng thời công bố quyền tác giả đường sắt đô thị trên cao chịu lực bằng cọc bê tông ly tâm V+ và mẫu đường cao tốc chịu lực bằng cọc bê tông ly tâm V+.
Tàu điện vàng được chạy trên đường mẫu đường sắt đô thị trên cao chịu lực bằng cọc bê tông ly tâm V+ (Ảnh: Hà Phong) |
>> Đại gia Đường 'bia' tiết lộ nguyên nhân không thể bán được khách sạn dát vàng
Phát biểu tại lễ khánh thành đoạn đường mẫu, ông Nguyễn Hữu Đường - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình, thường được biết đến với danh hiệu ''đại gia Đường bia'' cho biết, từ tháng 8/2023 đến nay, Công ty TNHH Hòa Bình đã tập trung trong việc khảo sát thiết kế, thi công đường cao tốc trên cọc dự ứng lực và đường sắt đô thị trên cọc dự ứng lực, nhà ở thương mại giá rẻ. Đến đầu tháng 2/2024, tất cả những mô hình thử nghiệm này đã hoàn thành.
Vị đại gia này mong muốn việc công bố những mô hình mẫu về cao tốc cầu cạn và đường sắt đô thị trên cao sẽ góp phần là giảm chi phí về đầu tư các tuyến cao tốc cầu cạn và đường sắt đô thị trên cao trong thời gian tới. Ông nêu ví dụ, thời gian thi công đường sắt đô thị trên cao từ trung tâm Hà Nội đến sân bay Nội Bài thường phải mất tới 10 năm. Tuy nhiên, nếu thi công theo phương án đường sắt đô thị này thì thời gian chỉ còn 12 tháng.
Công ty TNHH Hòa Bình đã được cấp bản quyền tác giả cho 2 công nghệ đường cao tốc và đường sắt mới |
Cũng theo ông Đường, nền đường không đất kiểu tấm cọc được sử dụng trong dự án là một kết cấu xây dựng nền đường rỗng cứng mới bao gồm "cọc" và "tấm". Tấm đúc sẵn được cố kết với các cọc cầu và kết cấu phụ cột thông qua việc đúc sau. So với nền đường truyền thống, nền đường kết cấu cọc có độ cứng cao hơn và độ lún nhỏ hơn, đồng thời không yêu cầu chiều rộng phân loại cần thiết trong quá trình thi công nền đường truyền thống. Tại công trường thử nghiệm, Tập đoàn Hòa Bình còn đưa ra giải pháp xây dựng cả nhà giá rẻ ngay dưới gầm của tuyến đường, tiết kiệm đất đai.
Đường cao tốc có 2 làn xe chạy rộng 9m, dài 100m. Dải phân cách ở giữa là đường sắt trên cao chịu tải trọng bằng cọc bê-tông dự ứng lực. Đường sắt trên cao đã lắp đường ray dài 100m, rộng 4,1m; Đầu tàu dài 3,8m và toa tàu dài 11,5m, rộng 2,8m có thể chở 100 người, tốc độ 100 km/h.
Về ưu điểm, đường cao tốc trên cao sẽ không phải đền bù giải phóng mặt bằng diện tích đất 2 bên đường, diện tích sử dụng đất sẽ bằng đúng diện tích xây dựng, nên tiết kiệm được từ 200%-300% so với đường cao tốc đang thi công tại Việt Nam.
Hiện, Tập đoàn Hòa Bình đã ứng dụng kỹ thuật đường cao tốc chịu lực bằng cọc bê-tông ly tâm V+ vào dự án đường cao tốc đoạn ‘Lộ Tẻ- Rạch Sỏi’ và tại địa bàn Xuân Cầu, Lạch Huyện, thành phố Hải Phòng.
Chủ tịchNguyễn Hữu Đường và các chuyên gia trong và ngoài nước trên tàu dát vàng trong ngày thử nghiệm vận hành |
Ông Christian Bargmann - đại diện Tập đoàn Rieckermann là nhà cung cấp dịch vụ của Đức có mặt tại sự kiện cho hay, Singapore đã đi theo con đường này, bắt đầu hoàn thiện tòa nhà chung cư với 1074 căn hộ từ công nghệ này vào năm 2013. Tiếp đó là Malaysia, Indonesia và chẳng bao lâu nữa Việt Nam sẽ có bước phát triển về lĩnh vực này. Công nghệ xây dựng hiện đại nhằm mục đích tiết kiệm tài nguyên và giảm chất thải. Sử dụng các vật liệu và khái niệm thay thế. Công trường xây dựng sạch sẽ và nhanh chóng, giảm tác động đến môi trường xung quanh.
Tại lễ khánh thành đường mẫu, TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI) đánh giá cao tâm huyết của ông Nguyễn Hữu Đường trong việc tự nghiên cứu, sáng tạo ứng dựng công nghệ mới vào xây dựng đường giao thông.
>> Đại gia Đường Bia tuyên bố làm đường 'tốt nhất thế giới với giá thành thấp nhất'