Bất động sản

Đại gia Đường ‘bia’: Để làm NƠXH, doanh nghiệp cần đất, không cần vay ưu đãi hay miễn thuế

Việt Hoàng 05/05/2025 16:09

Ông Đường cho biết doanh nghiệp của ông đang hướng đến mức giá khoảng 20 triệu đồng/m2 tại nội thành và 15 triệu đồng/m2 ở ngoại thành.

Tại tọa đàm “Giải pháp củng cố và phát triển thị trường trong nước” do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức, ông Nguyễn Hữu Đường - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình Group, còn được biết đến với biệt danh “Đường bia” đã có những chia sẻ thẳng thắn về khó khăn mà các doanh nghiệp đang đối mặt trong bối cảnh thị trường bất động sản hiện nay.

Theo ông Đường, các doanh nghiệp bất động sản đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ tình hình kinh tế thế giới.

"Năm 2024, tôi từng nói rằng 99% doanh nghiệp Việt Nam đang phải thở bằng 'oxy', trong đó có cả Tập đoàn Hòa Bình Group", ông chia sẻ. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của các giải pháp hỗ trợ tức thì: “Những giải pháp hiện nay phải theo kiểu ‘mỳ ăn liền’, áp dụng được ngay”.

Hình ảnh đại gia Đường
Hình ảnh đại gia Đường "bia" tại tọa đàm. Nguồn ảnh: Tạp chí Nhà Đầu tư

Đề cập đến kế hoạch phát triển nhà ở xã hội (NƠXH), ông Đường cho biết doanh nghiệp của ông đang hướng đến mức giá khoảng 20 triệu đồng/m2 tại nội thành và 15 triệu đồng/m2 ở ngoại thành.

“Với mức giá đó, người dân mới có cơ hội sở hữu nhà. Sự sống còn của doanh nghiệp Việt nằm ở chỗ bán được sản phẩm cho người Việt”, ông nói.

Ông cũng khẳng định, để làm nhà ở xã hội, doanh nghiệp không cần các gói vay ưu đãi hay miễn giảm thuế, điều cốt lõi là được cấp đất: “Không có đất thì làm sao làm được nhà ở xã hội”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy từ năm 2018 đến nay, Hà Nội chưa phê duyệt thêm dự án nhà ở xã hội nào.

>> Đề xuất thu phí 2.000 đồng/km cho tuyến cao tốc gần 29.600 tỷ đồng tại cửa ngõ Đông Nam Bộ

Dù đã có kế hoạch xây dựng từ 4 năm trước, Tập đoàn Hòa Bình vẫn chưa được chấp thuận, với 13 lần bị yêu cầu điều chỉnh liên quan đến quỹ đất.

“UBND TP. Hà Nội nói tôi làm nhà ở xã hội tại các khu đất này, nhưng thực tế thì không cấp đất. Trong khi tôi chỉ muốn làm nhà ở xã hội”, ông Đường bày tỏ.

Về lĩnh vực hạ tầng giao thông, ông cho biết doanh nghiệp đã nghiên cứu và thử nghiệm phương pháp thi công đường cao tốc với chi phí rẻ hơn 20% so với công nghệ của Trung Quốc.

Sau 3 tháng thí nghiệm, phương pháp này đã được cấp bằng sáng chế vào tháng 9/2023.

Theo tính toán của Viện nghiên cứu thuộc Bộ Xây dựng, nếu áp dụng cho 5.000km đường cao tốc sắp tới, giải pháp này có thể giúp tiết kiệm hơn 6 triệu tỷ đồng trong vòng 3 năm.

“Quan trọng nhất là Việt Nam có được một hệ thống đường đạt chuẩn, phục vụ phát triển kinh tế”, ông nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông cũng đề xuất mô hình xây dựng trung tâm thương mại dưới các tuyến đường cao tốc – nơi doanh nghiệp được miễn phí mặt bằng, từ đó tạo ra các điểm bán hàng và xuất khẩu tại chỗ cho nông sản, thủy sản, hải sản của Việt Nam.

Cũng tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Hữu Đường cũng chia sẻ về hành trình khởi nghiệp và những bước đi đa dạng của mình trong kinh doanh. Năm 1987, ông thành lập Tổ chức Thương binh nặng Hòa Bình với 9 thành viên, đến nay đã có hơn 3.000 lao động.

Năm 2008, ông bắt đầu tham gia vào nhiều ngành nghề có lợi nhuận cao như sản xuất bia, kinh doanh khách sạn và bất động sản.

Trong mảng bất động sản, doanh nghiệp của ông đã triển khai và vận hành thành công một số dự án như Khách sạn Hòa Bình Palace (Hà Nội), Hòa Bình Green Apartment (Hà Nội), Hòa Bình Green City (Hà Nội)...

Một trong những công trình mang tính biểu tượng của Tập đoàn Hòa Bình là Tòa tháp quốc tế Hòa Bình tại số 106 Hoàng Quốc Việt. Dự án được triển khai trong giai đoạn 2004-2006 trên khu đất rộng 1.952m2, với tổng mức đầu tư 26,1 triệu USD.

Đây là công trình đầu tiên tại Việt Nam có hệ thống thang máy được dát vàng. Tòa tháp này từng là nơi đặt văn phòng đại diện của nhiều thương hiệu quốc tế như Nippon, Systra, Liberty, Nissan, KFC... Sau khi công trình hoàn thành, ông Đường được nhắc đến với biệt danh mới Đường “Tháp đôi”.

Một công trình khác góp phần nâng tầm thương hiệu Hòa Bình Group là khu phức hợp Hòa Bình Green Đà Nẵng, khởi công tháng 3/2016. Dự án có tổng diện tích 12.500m2, bao gồm hơn 1.800 căn hộ và phòng khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao. Điểm nhấn đặc biệt là bể bơi vô cực dát vàng trên nóc tòa nhà cao 29 tầng, cùng hệ thống thiết bị vệ sinh làm từ kim loại mạ vàng 24K.

Đặc biệt, vào cuối năm 2020, khách sạn Dolce By Wyndham Hanoi Golden Lake của Tập đoàn Hòa Bình được Tổ chức Kỷ lục Thế giới (Worldkings) và Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (thuộc Liên minh Kỷ lục Thế giới – Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam) xác lập kỷ lục Khách sạn có ngoại thất bằng gạch dát vàng, cùng số lượng trang thiết bị nội thất và món ăn, đồ uống dát vàng nhiều nhất thế giới.

>> Tỉnh duy nhất Việt Nam có hai đô thị loại I thuộc diện sáp nhập đề xuất đầu tư hơn 220.000 tỷ cho 29 dự án phục vụ APEC 2027

Mở bán nhà ở xã hội tại quận lớn nhất Hà Nội, giá chỉ từ 16 triệu đồng/m2

Thành phố giàu nhất Việt Nam dự kiến hoàn thành hơn 2.300 căn hộ nhà ở xã hội trong năm 2025

Theo reatimes.vn
https://reatimes.vn/dai-gia-duong-bia-de-lam-noxh-doanh-nghiep-can-dat-khong-can-vay-uu-dai-hay-mien-thue-202250505150553357.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đại gia Đường ‘bia’: Để làm NƠXH, doanh nghiệp cần đất, không cần vay ưu đãi hay miễn thuế
    POWERED BY ONECMS & INTECH