Ông là một trong những người từng giàu nhất Việt Nam, sắm may bay riêng đi chơi và thăm ruộng lúa.
Theo các tài liệu còn lưu lại, Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy là một trong hai người Việt đầu tiên mua máy bay riêng vào khoảng những năm 30 của thế kỷ trước. Bấy giờ, nước ta chỉ có 3 chiếc máy bay, gồm 2 chiếc của vua Bảo Đại và 1 chiếc của công tử Bạc Liêu.
Ông Trần Trinh Huy (1900-1973) sinh ra trong gia đình đại địa chủ ở miền Nam thời bấy giờ. Bố ông là Trần Trinh Trạch - một trong 4 người giàu nhất miền Nam trong thế kỷ 20. Trần Trinh Trạch từng là chủ sở hữu của 74 sở điền, với 110.000 ha đất trồng lúa, gần 100.000 ha ruộng muối.
Từ những năm 1925 -1930, ông được gia đình cho đi du học Pháp để lấy bằng kỹ sư. Sau khi về nước, những gì ông học được không phải kỹ sư, bác sĩ mà chủ yếu là học lái xe, nhảy đầm, cách người Pháp kiếm tiền và canh nông.
Ông còn được nhiều người biết bởi sự ăn chơi, phung phí của mình. Nhiều giai thoại, sự kiện gắn liền với tên ông như đốt tiền nấu chè, đốt tiền kiếm nhẫn cho nghệ sĩ Phùng Há, đánh canh bạc 30.000 đồng ở Sài Gòn làm cả giới ăn chơi phải choáng váng… và đặc biệt là hai sự kiện mua ô tô và mua máy bay đã làm chấn động cả nước lúc bấy giờ.
Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy. |
Ông Trần Trinh Đức, con trai Công tử Bạc Liêu xác nhận chuyện cha mình sở hữu máy bay riêng. Những người biết chuyện cho rằng chiếc máy bay của Công tử Bạc Liêu là loại máy bay 2 cánh quạt, 2 chỗ ngồi, đã được công tử ký với hãng cung cấp máy bay của Pháp. Theo một vài nguồn tin, giá trị hợp đồng lên đến vài chục triệu đồng Đông Dương, tương đương hơn 100kg vàng.
Khi máy bay chưa về tới Sài Gòn, nhờ Ba Huy quan hệ tốt với cánh báo chí, vào ngày 24/6/1932, trên tờ báo La Courrier Saigonnais đã loan tin giật gân Công tử Bạc Liêu mua máy bay với tít lớn ở trang nhất: “M.Tran Trinh Huy propriétaire à Baclieu possède un avion et il aménager une piste d atterrissage sur sa propriété à Camau”, tạm dịch: “Ông điền chủ Trần Trinh Huy sắm một chiếc máy bay và làm sân bay trên đất của ông ở Cà Mau”. Cũng bằng cách nhờ báo chí, hình ảnh Công tử Bạc Liêu và chiếc máy bay “thứ hai ở Việt Nam” xuất hiện trang trọng trên trang nhất của nhiều tờ báo.
Theo sách "Công tử Bạc Liêu: Sự thật và giai thoại", ông Trần Trinh Huy từng gây chấn động dư luận lúc đó khi đi thăm ruộng bằng máy bay ở miền Tây Nam Bộ. Có lần lái máy bay thăm ruộng lúa lạc đường sang Xiêm (Thái Lan), ông bị giữ lại và bị phạt nặng.
Việc này đã khiến ông Hội đồng Trạch phải chở 3 chiếc ghe loại lớn đầy lúa qua tận Thái Lan nộp phạt chuộc Ba Huy và máy bay về. Ước tính số tiền nộp phạt khoảng vài nghìn đồng Đông Dương, tương đương khoảng 10kg vàng.
Sau năm 1975, mọi giấy tờ liên quan đến gia đình Trần Trinh Huy đều không còn. Ông Phan Kim Khánh (cháu ruột ông Trần Trinh Huy) còn nói rằng, Công tử Bạc Liêu có cho tá điền làm sân bay ở Cái Dầy rất rộng. Tuy nhiên, việc xác nhận là rất khó vì không còn bất cứ một số liệu, giấy tờ nào để xác định. Dù vậy, mọi người đều cho rằng, công tử rất thích lái máy bay nhưng không biết lái. Như vậy chiếc máy bay của Công tử Bạc Liêu bây giờ ở đâu, nơi nào lưu giữ hay đã hư hỏng chẳng ai biết.
Theo sách "Công tử Bạc Liêu: Cuộc đời và giai thoại", sinh thời, ông Trần Trinh Huy từng tiêu xài hết khoảng 5 tấn vàng của bố mẹ. Vì ham chơi vô độ, ông tiêu hoang phí hết tài sản của mình, cuối đời phải sống trong nghèo khó.
Khi Công ty du lịch Cẩm Quyền mua lại Nhà hàng khách sạn Công tử Bạc Liêu để làm kinh doanh như hiện nay, giám đốc công ty này đã cất công sưu tầm những hiện vật mà Công tử Bạc Liêu cũng như Hội đồng Trạch dùng để phục dựng, trưng bày. Dù có hỏi nhiều nơi, nhiều địa điểm, đơn vị, nhưng không ai biết chiếc máy bay của Công tử Bạc Liêu từng đi hiện nay trôi dạt ở phương trời nào.
Vì sao máy bay vẫn là phương thức vận chuyển an toàn nhất hiện nay?