Một đại học công bố xét tuyển bắt buộc có môn Toán, giảm chỉ tiêu xét học bạ
Trường Đại học Công Thương TPHCM sẽ giảm xét tuyển từ học bạ xuống còn 15% - 20% tổng chỉ tiêu trong năm 2025. Trong các tổ hợp xét tuyển bắt buộc có môn Toán.
Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh - Trường Đại học Công Thương TPHCM cho hay, năm 2025, tỷ lệ xét tuyển bằng điểm tốt nghiệp THPT chiếm 50% - 60% tổng chỉ tiêu, tương đương với năm 2024. Việc xét tuyển bằng học bạ lớp 10, 11 và học kỳ 1 của lớp 12 sẽ giảm xuống còn 15% - 20% tổng chỉ tiêu. Ngoài ra, nhà trường thực hiện xét tuyển thẳng, xét điểm đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM, xét tuyển điểm đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường Đại học Sư phạm TPHCM.
Về các môn trong tổ hợp xét tuyển, bắt buộc có môn Toán cho tất cả các ngành (trừ ngành Luật kinh tế, Ngôn ngữ Anh và ngôn ngữ Trung Quốc xét tuyển môn chính là Ngữ văn).
Hai môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển nhà trường đang nghiên cứu kỹ về chương trình lớp 10, 11 và 12 để chọn lựa. Ngoài ra nhà trường cũng dự kiến sẽ đưa môn Tin học vào trong các khối xét tuyển các ngành Công nghệ thông tin, An toàn thông tin, Khoa học dữ liệu.
Về tổ hợp xét tuyển, nhà trường quyết định 1 ngành sẽ có tối đa 4 tổ hợp xét tuyển. Cụ thể như ngành công nghệ thông tin sẽ có các tổ hợp khối A00, A01, D01 và khối Toán - Anh văn - Tin học. Riêng môn Tiếng Anh nhà trường xem xét tuyển thẳng các chứng chỉ IELTS, TOIEC, TOEFL, Aptis, B1, LanguagSkill.....
Xét học bạ nhiều dẫn tới thí sinh đạt 29-30 điểm vẫn trượt nguyện vọng 1 Trong báo có đề dẫn tại toạ đàm Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ, đào tạo luật và công tác tuyển sinh tại Hà Nội mới đây, đại diện Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội nhìn nhận, việc tuyển sinh hiện được thực hiện theo 3 hình thức: xét tuyển, thi tuyển, kết hợp giữa xét tuyển và thi tuyển và do cơ sở giáo dục đại học được tự chủ quyết định. Trong đó, phương thức xét tuyển bằng học bạ, bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông vẫn là những phương thức xét tuyển chủ yếu của nhiều trường. Tuy nhiên, việc có quá nhiều phương thức tuyển sinh (hơn 20 phương thức hiện đang được áp dụng) nhưng chưa có căn cứ khoa học hợp lý trong phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức tuyển sinh khiến thí sinh gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Do thiếu căn cứ rõ ràng trong xác định chỉ tiêu giữa các phương thức tuyển sinh ở nhiều cơ sở giáo dục đại học nên nhiều trường đã dành nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển sớm, ít chỉ tiêu cho xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông; sử dụng phương thức tuyển sinh sớm thông qua xét học bạ, xét bằng điểm đánh giá năng lực, xét bằng điểm đánh giá tư duy... khi học sinh chưa hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông (chưa có kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông). Tình trạng này dẫn tới hệ quả một số trường có điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp rất cao, có những ngành/trường thí sinh đạt 29 - 30 điểm vẫn rớt nguyện vọng 1. Việc này cũng chưa bảo đảm sự khách quan, công bằng cho các thí sinh, làm mất cơ hội của thí sinh để được vào trường đại học tốt, nhất là học trò vùng sâu, xa không có điều kiện tham gia các kỳ thi riêng và giữa các cơ sở đào tạo; không dự báo được lượng thí sinh ảo. Ngoài ra còn xuất hiện sự cạnh tranh không lành mạnh trong công tác tuyển sinh giữa các trường đại học, cơ sở giáo dục được tuyển chọn chất lượng thí sinh tốt nhất. Mặt khác, việc nhiều trường đại học tổ chức xét tuyển sớm và công bố thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển sớm cũng tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở; đặc biệt, việc sử dụng duy nhất điểm học bạ của học sinh để xét tuyển sinh sớm thời gian gần đây khiến dư luận băn khoăn, lo ngại về chất lượng thực sự của thí sinh đăng ký. Ngoài ra, một số cơ sở giáo dục chạy đua thu hút thí sinh thông qua việc tự chủ mở ngành mới theo cách tiếp cận đa ngành, liên ngành, xuyên ngành (như các trường khối kinh tế mở ngành đào tạo công nghệ, kỹ thuật; một số trường kỹ thuật mở thêm ngành khoa học xã hội nhân văn...) nhưng chưa thu thập, đánh giá đầy đủ nhu cầu thực tiễn cũng như chưa đầu tư, duy trì được các yêu cầu bảo đảm về chất lượng đào tạo nên gặp khó khăn trong tuyển sinh, thậm chí phải đóng ngành. Một số cơ sở giáo dục đại học chưa thực hiện đầy đủ việc công khai thông tin trong đề án tuyển sinh liên quan đến các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp cũng có tác động không tốt tới công tác tuyển sinh. |
>> Các trường đại học tổ chức tuyển sinh năm 2025 có gì mới?