Nhà máy chế biến mủ cao su tại Quảng Trị hoạt động từ năm 2009.
CTCP Cao su Bến Hải (huyện Vĩnh linh, Quảng Trị) vừa có thông báo chấm dứt hoạt động của dự án nhà máy chế biến mủ cao su tại Khu công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.
Theo đó, lý do thông báo chấm dứt hoạt động là do tình hình kinh tế khó khăn, nguồn nguyên liệu khan hiếm, giá cả thị trường cạnh tranh quá lớn dẫn đến công ty kinh doanh thua lỗ nhiều năm liền. Đồng thời, nhà máy cũng đã được Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam phát mãi thành công cho Công ty TNHH MTV Cao su Huy Anh Phong Điền.
Được biết, dự án nhà máy chế biến mũ cao su của CTCP Cao su Bến Hải có diện tích sử dụng đất gần 3,33 ha. Tổng vốn đầu tư dự án 21,79 tỷ đồng. Dự án được cơ quan nhà nước cho thuê đất và đưa vào hoạt động nhà máy vào năm 2009. Vốn góp thực hiện dự án chủ yếu từ các cổ đông và vốn đi vay để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong quá trình thực hiện, CTCP cao su Bến Hải đã thế chấp tài sản trên đất nhà máy cao su để vay vốn Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – chi nhánh Quảng Trị để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh kém hiệu quả dẫn đến không có khả năng trả khoản nợ vay của ngân hàng.
Sau đó, thông qua đấu giá, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Quảng Trị đã bán tài sản thế chấp là tài sản trên đất Nhà máy chế biến mủ cao su gồm toàn bộ các công trình xây dựng nhà máy và hệ thống máy móc thiết bị… Giá mua tài sản 5,8 tỷ đồng, doanh nghiệp trúng đấu giá là Công ty TNHH MTV Huy Anh Phong Điền.
Do vậy, CTCP Cao su Bến Hải đã có đơn gửi cơ quan chức năng xin trả lại đất nhà máy chế biến mủ cao su tại KCN Tây Bắc Hồ Xá.
Theo báo cáo của CTCP Cao su Bến Hải cho biết, hiện nay doanh nghiệp không có bất kỳ công ngợ nào khác với các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, doanh nghiệp còn nợ các khoản thuế, phí, tiền thuê đất từ năm 2020 đến nay với số tiền 526 triệu đồng.
>> Một doanh nghiệp cao su ước lợi nhuận quý 4/2023 tăng gấp rưỡi cùng kỳ
Baemin rút khỏi thị trường, doanh nghiệp Việt tăng tốc chiếm thị phần
Vingroup, FPT, Viettel sắp bàn việc làm ăn với CEO tập đoàn sản xuất chip hơn 1.100 tỷ USD