Một số doanh nghiệp Việt Nam muốn niêm yết trên sàn chứng khoán Nhật Bản
Theo thông tin từ hội nghị hợp tác kinh doanh Việt Nam - Nhật Bản do Ngân hàng Phương Đông tổ chức, một số doanh nghiệp Việt Nam hiện đã có kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán Nhật Bản.
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vừa tổ chức chương trình hội nghị hợp tác kinh doanh Việt Nam - Nhật Bản dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) với sự hỗ trợ từ Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Viện phát triển nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản (VJCC), Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp SME, cùng Sở Kế hoạch và Đầu Tư TP Hà Nội.
Chương trình có sự tham dự của đại diện lãnh đạo từ các cơ quan hỗ trợ và các quỹ đầu tư như Ngân hàng Aozora (Nhật Bản), Dream Incubator và Daiwa Corporate Investment, cùng hơn 60 chủ doanh nghiệp, CEO SME tại Việt Nam.
Tọa đàm của Ngân hàng Phương Đông. Ảnh: Ngân hàng Phương Đông |
Tại hội nghị, Ông Jun Okuda, đại diện Công ty quản lý Quỹ cổ phần tư nhân Daiwa Corporate Investment cho biết, Việt Nam đang là đối tác chiến lược tiềm năng quan trọng của SME Nhật Bản. Hiện tại, Nhật Bản đang tiến hành mở rộng hoạt động kinh doanh sang các quốc gia và Việt Nam là nước đứng thứ 2 (sau Mỹ) mà Nhật Bản sẽ đầu tư mạnh mẽ.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy quá trình M&A giữa doanh nghiệp SME Việt Nam–Nhật Bản vẫn còn nhiều “hàng rào” do khác biệt về chính trị, quy định, kinh tế, văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ, đặc thù doanh nghiệp, phương thức quản trị và khả năng tài chính.
Hoạt động quản trị của doanh nghiệp SME Việt Nam cũng còn nhiều đặc thù, các doanh nghiệp trẻ vẫn đang thực hiện việc ghi sổ sách một cách thủ công và chưa được số hóa.
Trong khi đó, hoạt động vay vốn còn nhiều khó khăn do phải có tài sản thế chấp hoặc tài sản đảm bảo trong khi năng lực tài chính doanh nghiệp chưa đáp ứng được kỳ vọng của các nhà đầu tư.
Tất cả những điều này dẫn đến việc doanh nghiệp SME khó để gây dựng lòng tin với các nhà đầu tư và ảnh hưởng trực tiếp tới quyết định đầu tư.
Để thu hút đầu tư nước ngoài, ông Jun Okuda đề xuất các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là SME, cần áp dụng các chuẩn mực quốc tế nhằm tăng độ tin cậy và minh bạch. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng nhận được khoản vay dài hạn và mở rộng cơ hội vào thị trường Nhật Bản.
Các khoản vay đầu tư kinh doanh tại Nhật Bản thường có lãi suất rất thấp, đa dạng nhà đầu tư, thông qua việc hợp tác và liên doanh giữa các doanh nghiệp hai nước, sẽ mang đến những cơ hội tiếp cận các nguồn vốn tốt, phù hợp với định hướng của mình.
Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt cũng có thể tìm kiếm cơ hội phát triển trên sàn giao dịch Chứng khoán Nhật Bản - sàn giao dịch Tokyo.
Hiện nay, một số doanh nghiệp Việt Nam đã có kế hoạch lên sàn giao dịch chứng khoán Tokyo. Việc này cũng sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường và tạo nên nguồn doanh thu tăng trưởng lớn hơn.
Trong phần tọa đàm, các doanh nghiệp cũng đặt ra nhiều câu hỏi cho các chuyên gia, điển hình như tiêu chí đánh giá và thẩm định cơ hội đầu tư của những doanh nghiệp nước ngoài hay những thách thức khi đầu tư tại thị trường Việt Nam.
>> Nhiều tập đoàn quốc tế muốn 'rót' hàng tỷ USD vào Việt Nam
Nhiều tập đoàn quốc tế muốn 'rót' hàng tỷ USD vào Việt Nam
Quảng Nam sắp đón dự án FDI hơn 7,2 triệu USD từ doanh nghiệp Hàn Quốc