Doanh nghiệp

Một tập đoàn của Việt Nam sở hữu nhà máy gạo lớn nhất châu Á được Bộ Nông nghiệp Philippines đề nghị hợp tác

Hoàng Ngân 10/07/2024 - 21:39

Tập đoàn này còn "nổi danh" khi là nhà tài trợ cho CLB bóng đá Sông Lam Nghệ An.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines, ông Francisco P.Tiu Lauren Jr., đã có chuyến thăm và làm việc tại nhà máy gạo Hạnh Phúc của Tân Long Group vào chiều 7/7/2024, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Chuyến thăm này nhằm mục tiêu tăng cường hợp tác giữa hai quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là về sản xuất và xuất khẩu gạo chất lượng cao.

Trong buổi làm việc với Tân Long Group, ông Francisco đã tìm hiểu về quy mô và công nghệ sản xuất tại nhà máy gạo Hạnh Phúc, cùng với chuỗi cung ứng lúa gạo từ nông dân đến quy trình xử lý sau thu hoạch.

Ông Francisco bày tỏ ấn tượng với hành trình phát triển hơn 20 năm của Tân Long và nhấn mạnh nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines vẫn rất lớn do sự gia tăng dân số hàng năm khoảng 1,2 triệu người. Ông cho biết: “Chúng tôi mong muốn hợp tác hiệu quả với Tân Long để đưa gạo chất lượng cao từ Việt Nam đến người tiêu dùng Philippines với giá thành hợp lý”.

Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Long, chia sẻ rằng Tân Long cam kết đầu tư vào cơ sở hạ tầng hiện đại để cải thiện xử lý và bảo quản sau thu hoạch, nhằm giảm thiểu thất thoát và nâng cao chất lượng gạo. Nhà máy gạo Hạnh Phúc được xem là một trong những nhà máy hiện đại nhất Việt Nam và lớn nhất châu Á có diện tích 161.000m2 với công suất sấy 4.000 tấn/ngày, trữ 240.000 tấn, và xay xát 3.200 tấn lúa khô/ngày. Ông Bá nhấn mạnh: “Đây là cơ hội để hai bên tăng cường hợp tác, tạo động lực để Tân Long nỗ lực hơn nữa trong phát triển lúa gạo và đóng góp cho nền nông nghiệp Việt Nam”.

Tập đoàn nông nghiệp Việt sở hữu nhà máy gạo lớn nhất châu Á được Bộ Nông nghiệp Philippines đề nghị hợp tác
Nhà máy gạo Hạnh Phúc

>> Lãi giảm sâu, một Tổng Công ty vẫn quyết trích 322 tỷ đồng trả cổ tức

Cuối năm 2023, Tân Long đã ký kết với IFC, thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, về việc hỗ trợ Công ty Cổ phần Lương thực A An (thành viên của Tân Long Group) phát triển chuỗi cung ứng lúa gạo an toàn, phát thải thấp, chất lượng cao và bền vững.

Hệ sinh thái nông nghiệp của Tân Long Group

Thành lập bởi ông Trương Sỹ Bá (sinh năm 1967), CTCP Tập đoàn Tân Long (Tân Long Group) từng được biết đến với cái tên CTCP Hóa Chất Công Nghiệp Tân Long có tiền thân là Công ty TNHH Tân Long Vân ra đời từ năm 2000. Với nhu cầu mở rộng và phát triển sản xuất, năm 2006, Tân Long Vân chuyển sang hoạt động dưới hình thức CTCP.

Các lĩnh vực hoạt động chủ yếu của Tập đoàn Tân Long bao gồm: Tân Long Grain (Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi), Tân Long Rice (Chế biến - Xuất khẩu gạo), Tân Long Farm (Feed - Farm - Food), Tân Long Mineral (Khoáng sản), Tân Long Cashew (Chế biến - Xuất khẩu điều). Trong đó lĩnh vực cốt lõi vẫn là cung cấp nguyên liệu thức ăn chăn nuôi lớn nhất tại Việt Nam, đồng thời là doanh nghiệp xuất khẩu lớn trên thị trường với các sản phẩm như gạo, điều thô.

Năm 2016, Tập đoàn Tân Long mở rộng mạng lưới kinh doanh tại Campuchia. Năm 2017 Tân Long tiếp tục mở rộng mạng lưới kinh doanh tại Singapore và Myanmar. Tới năm 2019 Tân Long tiếp tục mở rộng mạng lưới kinh doanh tại Ai Cập, Philippines, Guinea Bissau, Cote D'ivoire và Tazania.

Về tình hình vốn điều lệ, vào tháng 5/2018, tập đoàn này tăng vốn từ 750 tỷ đồng lên 1.200 tỷ đồng. Ít tháng sau đó, Tân Long Group tiếp tục tăng mạnh vốn điều lệ lên 2.200 tỷ đồng và vẫn giữ nguyên cho đến nay.

Về tình hình kinh doanh, Tân Long Group ghi nhận lỗ lên đến 626 tỷ đồng trong năm 2019. Sang đến năm 2020, doanh thu đã vượt ngưỡng 50.000 tỷ đồng và lãi về tay là 51 tỷ đồng.

Tập đoàn nông nghiệp Việt sở hữu nhà máy gạo lớn nhất châu Á được Bộ Nông nghiệp Philippines đề nghị hợp tác
Ông Trương Sỹ Bá

Đáng chú ý nhất có lẽ là thành viên đầu tiên của hệ sinh thái Tân Long đã niêm yết trên sàn chứng khoán – Nông nghiệp BaF (mã BAF) - một trong những doanh nghiệp chăn nuôi top đầu cả nước. Các khoản giải ngân từ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cùng nhóm 3 định chế từ Hàn Quốc đã giúp doanh nghiệp có nguồn vốn mở rộng quy mô chuồng trại. Tính đến tháng 3/2024, tổng đàn của BAF đạt gần 430 ngàn con, tăng gần 87% so với cùng kỳ, tương ứng sản lượng khoảng 1 triệu heo thương phẩm mỗi năm. Hiện ông Trương Sỹ Bá đang giữ chức Chủ tịch HĐQT tại Công ty này.

Một thành viên khác của Tân Long Group là CTCP Siba Holdings, doanh nghiệp hiện là cổ đông lớn của BAF khi nắm giữ hơn 58 triệu cổ phiếu tương đương 40,5% cổ phần của công ty nuôi heo này. Siba Food của doanh nghiệp này đang phát triển mạng lưới hơn 300 điểm bán gồm 60 siêu thị, 250 Meat Shop, đánh dấu sự có mặt tại các tỉnh, thành phố lớn.

Tập đoàn Tân Long còn "nổi danh" khi là nhà tài trợ cho CLB bóng đá Sông Lam Nghệ An (SLNA). Theo đó, kể từ ngày 1/6/2021, Tập đoàn Tân Long đã chính thức tiếp nhận CLB bóng đá SLNA. Tập đoàn Tân Long sẽ giữ lại tên Câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An, đồng thời chính thức giới thiệu bộ máy ban lãnh đạo và điều hành mới với Chủ tịch Câu lạc bộ là ông Trương Sỹ Bá. Còn con trai ông, ông Trương Mạnh Linh giữ vị trí Giám đốc Điều hành.

>> Công ty dệt may vừa cắt giảm 3.800 nhân viên đón tân Chủ tịch, chờ kỳ tích sau 'cú đấm' của Amazon

Hợp tác với GS25, HDBank tiếp tục phát triển mạnh mẽ mảng bán lẻ

SK E&S (Hàn Quốc) hợp tác với T&T Group phát triển năng lượng xanh bền vững tại Quảng Trị

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tap-doan-nong-nghiep-viet-so-huu-nha-may-gao-lon-nhat-chau-a-duoc-bo-nong-nghiep-philippines-de-nghi-hop-tac-241628.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Một tập đoàn của Việt Nam sở hữu nhà máy gạo lớn nhất châu Á được Bộ Nông nghiệp Philippines đề nghị hợp tác
POWERED BY ONECMS & INTECH