Một trường đại học công lập chuẩn bị rót hơn 25.000 tỷ đồng xây phân hiệu gần sân bay 16 tỷ USD của Việt Nam, lớn nhất Đông Nam Á
Với lợi thế gần sân bay Long Thành, sinh viên sẽ được đào tạo lý thuyết kết hợp thực hành, trực tiếp học tập và thực hành tại sân bay thông qua các chương trình hợp tác với các đơn vị như Công ty Cảng hàng không Long Thành, Công ty Quản lý hoạt động bay và các doanh nghiệp dịch vụ mặt đất.
Học viện Hàng không Việt Nam tiền thân là Trường Hàng không Dân dụng Việt Nam, được thành lập vào năm 1978. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển và thay đổi tên gọi, đến năm 2006, trường chính thức mang tên như hiện nay.
Là một trong những cơ sở giáo dục đại học công lập hàng đầu trong lĩnh vực hàng không dân dụng, Học viện Hàng không Việt Nam đóng vai trò nòng cốt trong việc đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành hàng không nước nhà.

Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, Học viện không ngừng lớn mạnh với đội ngũ giảng viên có chuyên môn sâu và kinh nghiệm phong phú trong giảng dạy cũng như nghiên cứu. Hiện nay, trường sở hữu một lực lượng giảng dạy gồm 1 Giáo sư, 5 Phó Giáo sư, 60 Tiến sĩ cùng nhiều cán bộ có trình độ cao khác. Học viện có 3 cơ sở tại TP.HCM và Khánh Hòa, phục vụ cho hơn 10.000 sinh viên đang theo học các chuyên ngành về hàng không, kỹ thuật, quản lý và kinh tế.
Chiến lược phát triển trong tương lai
Tại chuỗi hội thảo mang tên “Học viện Hàng không Việt Nam: Chiến lược phát triển đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 với công nghệ trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật, dữ liệu lớn và blockchain”, đại diện Học viện đã công bố kế hoạch mở phân hiệu mới tại khu vực sân bay quốc tế Long Thành. Đây là một bước đi chiến lược nhằm thích ứng với nhu cầu phát triển mạnh mẽ của ngành và mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời đại công nghệ số.
Theo PGS. TS Trần Hoài An, Chủ tịch Hội đồng Học viện, dự án phân hiệu tại Long Thành sẽ triển khai trong 3 giai đoạn, kéo dài từ năm 2026 đến 2040, với tổng vốn đầu tư ước tính lên đến 1 tỷ USD (hơn 25.000 tỷ đồng). Giai đoạn đầu (năm 2026-2030), cơ sở sẽ được xây dựng để phục vụ khoảng 5.000 sinh viên. Giai đoạn hai (năm 2032-2035) sẽ mở rộng quy mô tiếp nhận lên 10.000 sinh viên. Đến giai đoạn ba (năm 2036-2040), toàn bộ phân hiệu sẽ được hoàn thiện với hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, đạt chuẩn quốc tế.

Phân hiệu Long Thành của Học viện Hàng không Việt Nam được đầu tư xây dựng theo mô hình “trường học thông minh”, tích hợp các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data) và blockchain. Đây không chỉ là trung tâm đào tạo hiện đại mà còn là một "ngôi trường xanh" với định hướng phát triển bền vững – sử dụng năng lượng tái tạo, ứng dụng vật liệu tái chế, và triển khai hệ thống xử lý rác thải, nước thải để tái sử dụng hiệu quả. Đồng thời, Học viện cũng chú trọng định hướng giảng viên và sinh viên tập trung nghiên cứu khoa học và phát triển các công nghệ xanh, góp phần giảm thiểu tác động môi trường trong quá trình học tập và vận hành.
Việc tuyển sinh và đào tạo nhân lực phục vụ cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành nói riêng và ngành hàng không Việt Nam nói chung được xác định là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Học viện. Để hỗ trợ tối đa cho sinh viên, Học viện tích cực phối hợp với các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không và các ngành liên quan nhằm cấp học bổng cho sinh viên xuất sắc, cũng như hỗ trợ tài chính cho những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.
Hiện tại, Học viện đã thành lập hai quỹ hỗ trợ sinh viên: Quỹ học bổng sinh viên, chiếm 8% tổng thu sự nghiệp, và Quỹ hỗ trợ sinh viên, chiếm từ 2-3% tổng thu sự nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, tổ chức, cựu sinh viên cũng thường xuyên tổ chức các chương trình trao học bổng, tặng quà và tài trợ cho hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên.
Đặc biệt, nhằm thu hút nguồn nhân lực địa phương phục vụ cho sân bay Long Thành trong tương lai, từ năm học 2023–2024, Học viện đã triển khai chính sách hỗ trợ 5.000.000 đồng cho mỗi sinh viên là cư dân tỉnh Đồng Nai, đáp ứng đủ điều kiện trúng tuyển vào các ngành hàng không.
Với lợi thế gần sân bay Long Thành, sinh viên sẽ được đào tạo lý thuyết kết hợp thực hành, trực tiếp học tập và thực hành tại sân bay thông qua các chương trình hợp tác với các đơn vị như Công ty Cảng hàng không Long Thành, Công ty Quản lý hoạt động bay và các doanh nghiệp dịch vụ mặt đất. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên tích lũy kinh nghiệm thực tiễn ngay trong quá trình học tập.
Bên cạnh đó, đại diện Học viện cũng tiết lộ kế hoạch đổi tên thành Trường Đại học Hàng không Vũ trụ Việt Nam trong thời gian tới. Việc đổi tên phản ánh rõ định hướng phát triển mới – đa ngành, đa lĩnh vực – với trọng tâm là hàng không và công nghệ vũ trụ.
Chương trình đào tạo tiên tiến, hiện đại
Học viện Hàng không Việt Nam cung cấp một môi trường đào tạo chuyên nghiệp, hiện đại và chuyên sâu trong lĩnh vực hàng không. Trường hiện đang triển khai đào tạo nhiều khối ngành đa dạng, trong đó có những ngành học đặc thù hiếm gặp tại Việt Nam như: Khoa Điện - Điện tử, Khoa Khai thác hàng không, Khoa Kỹ thuật hàng không, Khoa Quản trị kinh doanh, Khoa Công nghệ thông tin, Khoa Du lịch và Dịch vụ hàng không, Khoa Kinh tế hàng không, Khoa Ngoại ngữ và Khoa Xây dựng.

Để đáp ứng xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, từ năm học 2025-2026, Học viện dự kiến mở thêm 15 ngành và chuyên ngành mới bao gồm: Kinh doanh số, Thương mại quốc tế, Marketing, Công nghệ phần mềm và trí tuệ nhân tạo, Trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn, Trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật (IoT), Điện tử ứng dụng AI và IoT, Điện tử viễn thông tích hợp AI, Hệ thống kỹ thuật quản lý bay, Quản lý và khai thác bay, Điện tự động cảng hàng không, Kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay, Thiết bị bay không người lái và Robotics, cùng với Ngôn ngữ Anh ứng dụng.
Đặc biệt, chuyên ngành Quản lý khai thác bay thuộc ngành Quản lý hoạt động bay là một trong những chương trình đào tạo song bằng đặc biệt. Chương trình này được thực hiện thông qua sự hợp tác giữa Học viện Hàng không Việt Nam, Trường Phi công Bay Việt (Vietnam Airlines) và các đối tác quốc tế tại Cộng hòa Czech, Nam Phi, Hoa Kỳ,… Sinh viên tốt nghiệp chương trình sẽ nhận được bằng Kỹ sư Quản lý Hoạt động bay và bằng phi công thương mại quốc tế (MPL), được công nhận bởi Cục Hàng không Việt Nam và các tổ chức quốc tế. Đáng chú ý, sinh viên theo học chương trình này sẽ được đảm bảo cơ hội việc làm và trở thành phi công chính thức của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam.
Cơ hội nghề nghiệp rộng mở sau khi ra trường
Năm 2024, Học viện Hàng không Việt Nam đã công bố mức điểm chuẩn trúng tuyển đại học chính quy đợt 1 với mức điểm xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT dao động từ 16 đến 26 điểm. Trong đó, ngành Quản lý hoạt động bay – chương trình đào tạo bằng tiếng Anh – ghi nhận mức điểm chuẩn cao nhất là 26 điểm, cho thấy sức hút lớn của ngành học này trong bối cảnh nhu cầu nhân lực hàng không ngày càng tăng cao.

Nhìn chung, mặt bằng điểm chuẩn của Học viện được đánh giá là ở mức vừa phải, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều thí sinh có nguyện vọng theo đuổi ước mơ trong lĩnh vực hàng không.
Sau khi hoàn thành chương trình học, sinh viên Học viện Hàng không Việt Nam có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc đa dạng trong ngành hàng không như: điều phối bay, quản lý mặt đất, kỹ thuật hàng không, khai thác vận tải hàng không… Tùy theo chuyên ngành đào tạo, các bạn có thể làm việc tại sân bay, các hãng hàng không trong và ngoài nước, hay các doanh nghiệp dịch vụ hàng không.
Môi trường làm việc trong ngành này không chỉ hiện đại, chuyên nghiệp mà còn thường xuyên được cập nhật công nghệ tiên tiến. Bên cạnh đó, đây cũng là lĩnh vực mang lại mức thu nhập hấp dẫn và cơ hội phát triển nghề nghiệp rõ ràng, mở ra hành trình sự nghiệp không chỉ trong nước mà còn ở tầm khu vực và quốc tế.
>>Đại học quy mô lớn nhất VN bắt tay cùng ngôi trường danh tiếng bậc nhất Trung Quốc