Mùa giải Nobel giữa xung đột quân sự, nạn đói và trí tuệ nhân tạo
Xung đột quân sự, khủng hoảng tị nạn, nạn đói và trí tuệ nhân tạo là những vấn đề được quan tâm nhất khi mùa công bố giải thưởng Nobel bắt đầu vào tuần tới.
Buổi công bố người chiến thắng Giải Nobel Vật lý năm 2023 tại Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia ở Stockholm ngày 3/10/2023. (Ảnh: AP) |
Tuần lễ trao giải Nobel năm nay diễn ra đúng 1 năm xảy ra cuộc tấn công của Hamas vào miền nam Israel (ngày 7/10/2023), mở đầu cho 1 năm đổ máu và xung đột trên khắp Trung Đông.
Các giải thưởng văn học và khoa học có thể không liên quan, nhưng giải Nobel Hoà bình được chú ý giữa giữa bầu không khí bạo lực quốc tế gia tăng.
"Tôi nhìn thế giới và thấy rất nhiều xung đột, thù địch và đối đầu. Tôi tự hỏi liệu đây có phải là năm giải Nobel Hòa bình nên bị giữ lại không", Dan Smith - Giám đốc Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm, cho biết.
Ông Smith nói đến chiến sự gia tăng ở Trung Đông, xung đột ở Sudan và nguy cơ xảy ra nạn đói ở đó, trong khi cuộc xung đột ở Ukraine chưa biết khi nào chấm dứt. Nghiên cứu của viện này cho thấy chi tiêu quân sự toàn cầu đang tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ Thế chiến II.
"Giải thưởng có thể được trao cho một số nhóm đang nỗ lực tốt nhưng bị gạt ra ngoài lề. Nhưng xu hướng này đi sai hướng. Có lẽ nên gây chú ý đến điều đó bằng cách giữ lại giải thưởng hòa bình trong năm nay", ông Smith nói.
Giữ lại giải Nobel Hòa bình không phải điều chưa từng xảy ra. Giải thưởng này từng bị đình chỉ 19 lần, bao gồm năm xảy ra chiến tranh thế giới. Lần gần đây nhất mà giải này không được trao là năm 1972.
Tuy nhiên, ông Henrik Urdal, giám đốc Viện Nghiên cứu hòa bình Oslo, cho rằng việc giữ lại giải hoà bình năm 2023 sẽ là sai lầm, vì việc trao giải thưởng này năm nay sẽ là một cách để thúc đẩy và công nhận tầm quan trọng của hòa bình.
Các nhóm dân sự và tổ chức quốc tế thực hiện sứ mệnh giảm thiểu bạo lực ở Trung Đông có thể được trao giải.
Danh sách đề cử luôn được giữ bí mật, nhưng các đơn vị đề cử vẫn công khai lựa chọn của họ. Các học giả tại Đại học Tự do Amsterdam cho biết đã đề cử một số tổ chức nỗ lực vì hoà bình giữa người Israel và Palestine như EcoPeace, Women Wage Peace và Women of the Sun.
Ông Urdal tin rằng Ủy ban giải thưởng có thể sẽ xem xét trao giải cho Sudan Emergency Response Rooms, một nhóm thực hiện sáng kiến cung cấp viện trợ cho người dân Sudan đang phải đối mặt với nạn đói và bị ảnh hưởng bởi cuộc nội chiến tàn khốc ở nước này.
Mùa giải thưởng Nobel năm nay sẽ chính thức bắt đầu vào ngày 7/10, với các giải thưởng về sinh lý học hoặc y học, tiếp theo là các giải thưởng về vật lý, hóa học, văn học và hòa bình.
Giải thưởng Nobel Hòa bình sẽ được Ủy ban Nobel Na Uy công bố vào ngày 11/10 tại Oslo. Các giải thưởng khác sẽ được Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển công bố tại Stockholm. Giải thưởng về kinh tế sẽ được công bố vào ngày 14/10.
Năm nay, các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), có thể được công nhận ở một hoặc nhiều hạng mục.
Những người phản đối AI cảnh báo sự trỗi dậy của vũ khí tự động cho thấy công nghệ mới này có thể gây thêm đau khổ, phá vỡ hòa bình của con người. Tuy nhiên, AI cũng đã tạo ra những đột phá khoa học, có thể sẽ được công nhận ở những hạng mục khác.
David Pendlebury, trưởng bộ phận phân tích nghiên cứu tại Viện thông tin khoa học của Clarivate, cho biết các nhà khoa học từ phòng thí nghiệm AI Google Deepmind có thể là ứng viên cho cho giải Nobel hóa học.
Sản phẩm trí tuệ nhân tạo của công ty là AlphaFold có thể dự đoán chính xác cấu trúc của protein, được sử dụng rộng rãi trong một số lĩnh vực, bao gồm cả y học, để một ngày nào đó có thể được sử dụng để phát triển loại thuốc mang tính đột phá.