|
Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu có diện tích quy hoạch 16.950 ha, trong đó, khu bảo vệ nghiêm ngặt 7.250 ha, phân khu phục hồi sinh thái 9.700 ha trải rộng trên địa bàn 4 xã Nà Hẩu, Đại Sơn, Mỏ Vàng, Phong Dụ Thượng của huyện Văn Yên. |
|
Khu bảo tồn này có hệ sinh thái rừng tự nhiên phong phú, đa dạng mang tính điển hình của vùng núi phía Bắc Việt Nam với nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Đây cũng được mệnh danh là "đại ngàn xanh" của Yên Bái. |
|
Trong khu bảo tồn thiên nhiên này, hệ rừng lá rộng thường xanh còn tương đối nguyên vẹn, nhiều khe, suối, thác nước chảy quanh năm. Cấu trúc rừng chưa bị phá vỡ, tầng tán được phân chia rõ rệt: Tầng cao nhất là cây gỗ lớn nhô lên không liên tục chủ yếu là các loài như cây chò nâu, dổi, trám; tầng giữa là tầng ưu thế sinh thái, tán cây rừng liên tục cao gần ngang nhau, thuộc các loài cây thường xanh như gội, de, dẻ; tầng dưới phân thành nhiều lớp cao thấp khác nhau, chủ yếu là các cây gỗ nhỏ ưa bóng; tầng thảm tươi chủ yếu là cây bụi, dương sỉ, cau rừng... |
|
Hiện rừng tự nhiên tại đây vẫn còn trên 30 loài thực vật khác nhau, trong đó có những loài cây gỗ quý hiếm như lát hoa, pơ mu... phát triển chủ yếu ở độ cao 700 m trở lên. |
|
Hệ động vật trong khu bảo tồn khá phong phú và nhiều loài quý hiếm vẫn được gìn giữ và bảo tồn. Hiện nay rừng có khoảng 72 loài thú, 240 loài chim, 48 loài bò sát… trong đó có nhiều loài có giá trị có tên trong sách đỏ Việt Nam và danh sách đỏ thế giới như sơn dương, gấu, vượn đen tuyền, voọc xám, rùa đầu to, kỳ đà hoa. |
|
Khu vực rừng trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên còn là nơi sinh sống của một số loài chim có vùng phân bố hẹp, trong đó có một số loài chim bị đe dọa toàn cầu như hồng hoàng, gà lôi… |
|
Bên cạnh đó, do địa hình bị chia cắt mạnh, khu bảo tồn có rất nhiều khe suối, nhiều hang động, thác nước đẹp như thác Bản Tát, thác Suối Tiên, hang Dơi.. |
|
Nằm trong vùng lõi của Khu bảo tồn, xã Nà Hẩu có tổng diện tự nhiên 5.640 ha, trong đó rừng tự nhiên đặc dụng trên 4.500 ha. Nơi đây trở thành mái nhà chung của 484 hộ dân với trên 2.490 nhân khẩu, dân tộc Mông chiếm 99%. |
|
Hiểu rõ những giá trị của rừng mang lại, đồng bào Mông nơi đây coi rừng như nguồn sống, là mái nhà che chở, là chỗ dựa tinh thần của cả cộng đồng. Bà Hạng Thị Sơn (SN 1959, ở thôn Bản Tát, xã Nà Hẩu) cho biết, trải qua hàng trăm năm chung sống hoà thuận với rừng, hiểu được luật rừng, người dân nơi đây đặt ra những quy định về việc bảo vệ rừng được cộng đồng tôn trọng như những luật tục.
|
|
Bà Sơn nói: "Không bảo vệ rừng thì không có nguồn nước uống, không có nước trồng lúa, con cháu sau này không được hưởng không khí trong lành, bà con nơi đây cả đời gắn bó với rừng nên mọi người đều có ý thức giữ rừng, bảo vệ rừng. Hàng năm các thôn trong xã đều tổ chức lễ cúng rừng để bà con cùng lên kế hoạch cho việc bảo vệ rừng cả năm".
|
|
Trao đổi với Tiền Phong, ông Sùng A Sà - Phó Chủ tịch UBND xã Nà Hẩu - cho biết, theo quan niệm của người Mông, những cánh rừng xanh, rừng cấm, rừng thiêng gần bản là nơi chở che dân bản tránh cái gió, tránh lũ ống, lũ quét, cho dân bản sản vật để ăn, nguồn nước để uống và tưới tiêu cho đồng ruộng. Giữ cánh rừng luôn tươi tốt cũng chính là giữ cho dân bản luôn bình an, no ấm.
|
|
Ông Sà cho biết thêm, trong thời gian cúng rừng, các thôn bản đều cấm rừng 3 ngày để tạ ơn thần Rừng. Trong ba ngày này, mọi người tuyệt đối thực hiện các điều kiêng kỵ đã được quy định theo luật tục đó là không đi vào rừng chặt cây xanh, không đem lá xanh từ rừng về nhà, không đào củ, bẻ măng, không đào đất, không thả rông gia súc, không phơi quần áo ngoài trời, không xay ngô, giã gạo… |
|
Luật tục này đã hình thành từ nhiều đời nay, được người dân duy trì như một Nghị quyết trong việc giữ rừng, bảo vệ rừng và được các thế hệ đồng bào nơi đây thực hiện, ông Sà cho biết thêm.
|
|
Mới đây, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa tập quán văn hóa và tín ngưỡng lễ cúng rừng của người Mông ở xã Nà Hẩu được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
|
>> Hố sụt kỳ lạ rộng gần 5.000m2 chưa từng có dấu chân người giữa khu rừng đặc dụng của Việt Nam, chứa nhiều cây xanh cao lớn, nằm ở độ cao gần 800m so với mực nước biển