Mục tiêu 7% nằm trong tầm tay, bệ đỡ tăng trưởng đưa kinh tế Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới
Trước kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, TS. Nguyễn Đức Kiên tin rằng việc nỗ lực thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng cũng là cách để nền kinh tế và đất nước không ngừng phát triển.
Nhìn lại bức tranh kinh tế Việt Nam trong 2024, tới thời điểm hiện tại TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định rằng mục tiêu tăng trưởng 7% trong năm nay đã nằm trong tầm tay.
Hướng về năm 2025, ông Kiên cho rằng mục tiêu tăng trưởng 7-7,5% hoặc cao hơn nữa là hoàn toàn khả thi. Trước kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, ông Kiên tin rằng việc nỗ lực thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng cũng là cách để nền kinh tế và đất nước không ngừng phát triển.
Điều gì khiến ông tin rằng, tăng trưởng 2024 chắc chắn sẽ đạt mục tiêu, thưa ông?
Tôi khẳng định chắc chắn là chúng ta sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng năm nay vì những lý do sau:
Đầu tiên, dù bão Yagi ập đến và gây ra thiệt hại kinh tế lớn nhưng thực tế, kể từ tháng 6 trở đi tình hình sản xuất, kinh doanh đã có chiều hướng thuận lợi. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đã giảm dần. Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam quý sau cao hơn quý trước. Quý III năm nay, GDP tăng 7,4%, theo quy luật, quý IV tăng cao hơn quý III, nên tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2024 không chỉ đạt mục tiêu đề ra, mà chắc chắn sẽ đạt 7%.
Cùng với đó, sự hồi phục trong lĩnh vực sản xuất, công nghiệp cũng trở thành bệ đỡ cho tăng trưởng trong năm 2024. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) 11 tháng tăng 8,4%, ngoại trừ ngành khai khoáng giảm 7,3%, nhưng không đáng ngại vì ngành công nghiệp khai khoáng năm nào cũng giảm và nền kinh tế Việt Nam càng ngày càng thoát ly việc đào bới tài nguyên thiên nhiên. Các ngành công nghiệp còn lại đều tăng như chế biến, chế tạo tăng 9,7% (cùng kỳ năm 2023 tăng 1%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,2%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,6%.
Ngoài ra, nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực như ô tô; thép thanh, thép góc; vải dệt từ sợi tự nhiên; đường kính; thép cán; phân hỗn hợp NPK; sữa bột; thủy - hải sản chế biến; điện sản xuất đều tăng trưởng ở mức 2 con số, từ 11% đến 22,4%. Nông nghiệp thì được mùa, được giá; kim ngạch xuất khẩu nông sản, thủy sản; rau quả đã hoàn thành mục tiêu trước cả tháng.
Đây là những bệ đỡ quan trọng cho tăng trưởng trong năm nay.
Thưa ông, được biết đầu tư công cũng là bệ đỡ quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Nhưng năm nay dường như đầu tư công có phần chậm lại? Liệu sự chậm lại của đầu tư công có ảnh hưởng gì tới tăng trưởng năm nay không, thưa ông?
Tôi không nghĩ là đầu tư công năm nay bị chậm lại. Tôi quan sát thấy rằng, đầu tư công năm nay chúng ta triển khai đều tay. Về tốc độ giải ngân cụ thể phải đợi đến 6/1/2025 mới đánh giá được một cách xuyên suốt được bởi, trong đầu tư công chủ yếu đầu tư vào xây lắp mà xây lắp lại có điểm dừng kỹ thuật để nghiệm thu. Do đó, có thể hiện tại đã vượt qua điểm dừng kỹ thuật nhưng chưa đến thời hạn nghiệm thu nên chưa có khối lượng khiến vốn vẫn đọng ở đó.
Cùng với đó, nếu nhìn vào tiến độ triển khai công trình, đời sống khu vực công trình đi qua, có thể thấy không có nhiều biến động lớn. Tức là, sức mua tiêu dùng, đời sống vẫn giữ được ổn định, không có biến động như những hàng hóa khác. Chỉ lên một chút vào thời điểm tháng 8, tháng 9 – thời điểm học sinh quay trở lại trường học. Đây cũng là “căn bệnh kinh niên” của ngành giáo dục.
Cứ đến thời điểm tháng 9 hàng năm, giá đồ dùng học tập, phí đóng góp vào nhà trường cũng tốn kém từ vài triệu thậm chí hơn cả chục triệu. Con số này đối với nhiều gia đình là một khoản lớn, chiếm 40-50% nguồn thu nhập của gia đình.
>>Đất nước chuyển mình bước vào kỷ nguyên mới
Nhưng, một số doanh nghiệp vẫn khẳng định rằng họ vẫn còn rất khó khăn, họ chưa nhận được đơn hàng và thị trường vẫn chậm. So với con số vĩ mô tốt như ông nói, liệu điều này có mâu thuẫn không, thưa ông?
Tôi không thấy điều gì mâu thuẫn ở đây. Đúng là hiện nay số doanh nghiệp rời thị trường vẫn còn cao nhưng số lượng doanh nghiệp rời thị trường đang giảm dần theo thời gian. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường đang dần tốt lên.
Tôi cũng tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân và nhận thấy rằng nhiều doanh nghiệp vẫn hoạt động, sản xuất và kinh doanh rất tốt. Và chỉ một vài doanh nghiệp kinh doanh không tốt thì đó là câu chuyện của cá nhân họ, không đại diện cho toàn thị trường.
Hướng về năm 2025, nhận diện về những khó khăn đối với nền kinh tế năm sau, theo quan điểm của ông bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước sẽ có những gì đáng chú ý, thưa ông?
Thứ nhất, việc tái cơ cấu nền kinh tế chưa đạt yêu cầu. Nhìn vào tình hình sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2024 có thể thấy, chỉ doanh nghiệp lớn có thị trường, điểm tín nhiệm tài chính tốt giúp họ có thể vượt qua khó khăn một cách dễ dàng. Còn những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, không có tài sản đảm bảo, điểm tín nhiệm tài chính thấp khiến họ gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận thị trường hay nguồn vốn.
Điều này đặt ra vấn đề phải tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp lớn để doanh nghiệp lớn kéo doanh nghiệp nhỏ hay hỗ trợ cả cộng đồng doanh nghiệp.
Mặt khác, trước đây, khi tốc độ tăng trưởng tín dụng chỉ vào khoảng 10-12%, chúng ta vẫn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 7%, thậm chí cao hơn. Nhưng trong 2 năm trở lại đây, khi tốc độ tăng trưởng tín dụng rơi vào khoảng 14-15% thì tốc độ tăng trưởng kinh tế mới chỉ phấn đấu đạt 7,1-7,2%.
Cụ thể, nếu là trước đây, khoảng 1,5-1,8% điểm tăng trưởng tín dụng sẽ đạt được 1% điểm tăng trưởng kinh tế nhưng hiện tại phải đạt 2,2% điểm tăng trưởng tín dụng mới đạt được 1% điểm tăng trưởng kinh tế. Như vậy, có thể thấy rằng, chất lượng các khoản đầu tư của doanh nghiệp đang có xu hướng giảm.
Về bối cảnh toàn cầu, tình hình địa chính trị thế giới hiện nay đang có những biến đổi nhanh chóng và phức tạp. Bên cạnh đó, đến thời điểm này cũng chưa nắm được định hướng kinh tế đối ngoại của Mỹ sẽ như thế nào hay quan hệ của họ đối với EU sẽ ra sao.
Thêm vào đó, cũng không thể biết hiệp định thương mại của Việt Nam với liên minh thương mại Bắc Mỹ có ký kết lại nữa không. Bởi, chính Mexico là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Việt Nam về ngành dệt may vào thị trường Mỹ. Nên nếu không được ký kết, dệt may, lĩnh vực xuất khẩu quan trong của doanh nghiệp nội địa sẽ có phần khó khăn.
Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, mục tiêu phát triển kinh tế năm 2025 định hướng phấn đấu tăng trưởng kinh tế ở mức 7 đến 7,5% được đánh giá là mức rất cao và có khó để hoàn thành. Ông có nghĩ là mục tiêu này khó không thưa ông?
Theo tôi, mục tiêu đặt ra là rất khó nhưng hoàn toàn có thể làm được, nếu chúng ta can đảm.
Ví dụ, đối với dự án đường dây 500kW mạch 3 (Quảng Trạch – Phố Nối) đã khánh thành chỉ sau 7 tháng triển khai, với tổng mức đầu tư khoảng 2400 tỷ đồng. Dự án này đã cho thấy tinh thần nếu quyết tâm, chúng ta sẽ làm được.
Tương tự, tăng trưởng kinh tế cũng vậy, nếu quyết tâm chắc chắn sẽ làm được. Song, chúng ta cũng phải chấp nhận rằng trong quá trình thực hiện không thể tránh khỏi những bất cập và cần các chính sách nhanh, mạnh và hiệu quả để có thể tháo gỡ.
Trước kỷ nguyên vươn mình, việc nỗ lực thực hiện và hoàn thành mục tiêu GDP cũng là bệ đỡ để nền kinh tế tiếp tục vươn cao hơn.
Trân trọng cảm ơn ông!
Chuyên gia Nguyễn Minh Phong: Ngành ngân hàng 2025 đón sóng tăng trưởng, vượt thách thức để bứt phá
4 động lực then chốt thúc đẩy tăng trưởng GDP năm 2025 vượt 7%