Muôn kiểu thích nghi với độ tuổi lao động để tận dụng 'kinh tế bạc'
Độ tuổi lao động luôn là vấn đề đau đầu của mỗi quốc gia vì liên quan đến các tầng lớp dân cư. Tuy nhiên, nhiều nước đã và đang nỗ lực cải tổ hệ thống “già cỗi” này.
Hình ảnh người già tiếp tục làm việc trong những năm tháng hưu trí không còn là hiếm ở nhiều quốc gia trên thế giới. Vấn đề già hóa dân số, thiếu lao động đã được giải quyết phần nào nhờ lực lượng “tóc bạc” này.
Với những quốc gia phát triển trong khu vực như Nhật, Hàn Quốc, Singapore... việc tuyển dụng người lao động cao tuổi làm việc không còn là điều xa lạ.
Ở Nhật Bản, có thể dễ dàng bắt gặp những lao động cao tuổi ở nơi công cộng. Chính phủ Nhật Bản quy định tuổi nghỉ hưu là 65 tuổi cho cả nam và nữ.
Ở Hàn Quốc, tuổi thọ của dân số tăng lên kéo theo độ tuổi làm việc cũng tăng lên (tuổi thọ của người Hàn Quốc thuộc nhóm cao nhất thế giới). Một công bố thống kê của Chính phủ Hàn Quốc cho thấy, số người trên 60 tuổi tham gia lao động ở nước này đã nhiều hơn số người ở độ tuổi 20.
Tại Singapore cũng đang chứng kiến tốc độ già hóa nhanh chóng. Tỷ lệ người từ 65 tuổi tham gia thị trường lao động ngày càng tăng. Trước thực trạng dân số ngày càng già hóa, Chính phủ Singapore đang nỗ lực hỗ trợ các công ty giữ chân người lao động làm việc qua tuổi nghỉ hưu.
Hiện, độ tuổi nghỉ hưu của Singapore là 62, song mọi công ty đều phải có điều khoản cho phép người lao động được lựa chọn tiếp tục làm việc cho tới 67 tuổi.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, mức tuổi nghỉ hưu dành cho nam giới là 60 tuổi và nữ giới 55 tuổi đối với người làm công việc văn phòng, 50 tuổi đối với người làm việc trong nhà máy.
Tại Anh, mức tuổi nghỉ hưu hiện tại cho cả nam và nữ là 66 tuổi. Mức tuổi này dự kiến còn được tăng lên từ tháng 5/2026.
Tại Na Uy và Iceland con số này là 67. Tuy nhiên, những người về hưu có thể bắt đầu nhận lương hưu khi họ 62 tuổi ở Na Uy và 65 tuổi ở Iceland.
Tại Hy Lạp, tuổi nghỉ hưu đối người lao động là 67 tuổi và những người có 12.000 ngày làm việc (40 năm) được phép hưởng lương hưu ở tuổi 62.
Mới đây nhất, Chính phủ Pháp đã công bố cải cách lương hưu, theo đó tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 tuổi vào năm 2030.
Tại nhiều nước châu Âu khác như Phần Lan, Bỉ, Tây Ban Nha và Thụy Điển, tuổi nghỉ hưu được quy định là 65 tuổi. Trong số các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), Italia, Luxembourg và Slovenia có tuổi nghỉ hưu thấp nhất hiện nay với 62 tuổi cho cả nam và nữ.
Tại Mỹ, người lao động có thể bắt đầu nhận các khoản trợ cấp an sinh xã hội khi 62 tuổi, nhưng việc nộp đơn xin các khoản trợ cấp này trước khi đủ tuổi nghỉ hưu (67 tuổi) sẽ dẫn đến việc giảm các khoản thanh toán cho khoảng thời gian còn lại trước thời điểm về hưu.