Mỹ đang đàm phán tích cực với 18 quốc gia, châu Á đi trước một bước trong cuộc đua né thuế
Các nền kinh tế châu Á dựa vào xuất khẩu đang đối mặt với mức thuế "đối ứng" cao nhất từ Mỹ. Tuy nhiên, họ hiện dẫn trước các đối tác phương Tây trong các cuộc đàm phán thương mại với chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Kinh nghiệm cho thấy các thỏa thuận thương mại toàn diện thường mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm để hoàn tất. Nhưng Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ không có nhiều thời gian, khi lô hàng xuất khẩu sang Mỹ đối mặt với thuế suất có thể tăng gần 25% trong hơn hai tháng tới. Việt Nam chịu thuế 46%, còn Thái Lan là 36%.
Trước áp lực đó, nhiều nước châu Á đang hướng tới các thỏa thuận tạm thời nhằm tránh mức thuế cao sau thời gian ân hạn 90 ngày, kết thúc vào đầu tháng 7. Điều này cũng cho phép ông Trump sớm tuyên bố thắng lợi chính trị với chính sách thương mại gây xáo trộn.
Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent, Washington đang đàm phán với 18 đối tác thương mại lớn, trong đó Trung Quốc tham gia "một cuộc đàm phán đặc biệt".

Tiến triển nhanh ở châu Á
Ông Bessent cho biết Mỹ và Hàn Quốc có thể đạt "thỏa thuận ghi nhớ" ngay trong tuần này, với hạn chót là đầu tháng 7. Dù vậy, kỳ vọng một thỏa thuận sâu rộng hơn bị cho là quá lạc quan, khi Mỹ - Hàn từng mất nhiều năm mới hoàn tất FTA 2007 và phải đàm phán lại năm 2018.
Đối với Hàn Quốc, chiến lược đàm phán là đáp ứng các yêu cầu của Mỹ: mở rộng thị trường cho hàng hóa Mỹ, giảm rào cản phi thuế quan và tăng cường đầu tư vào Mỹ. "Chúng tôi đã thể hiện thiện chí hợp tác trong các lĩnh vực then chốt như thương mại, đầu tư, đóng tàu và năng lượng”, Bộ trưởng Tài chính Choi Sang-mok cho biết sau cuộc gặp với ông Bessent.
Tuy nhiên, việc đạt thỏa thuận với Mỹ còn gặp khó khăn bởi tiến trình thay đổi thất thường của ông Trump và tình trạng thiếu hụt nhân sự trong chính quyền Washington.
Chính quyền Trump cũng nhấn mạnh tiến triển trong đàm phán với Ấn Độ và Nhật Bản. Ông John Woods, Giám đốc đầu tư khu vực châu Á của Lombard Odier, nhận định các cuộc đàm phán mới chỉ ở giai đoạn đầu và phải vài quý nữa mới thấy rõ tác động thực sự của chính sách thuế.
Nhật Bản xem xét gia tăng mua nông sản Mỹ và thúc đẩy đầu tư ô tô, nhưng phản đối bị kéo vào khối kinh tế chống Trung Quốc, do mối quan hệ thương mại chặt chẽ với Bắc Kinh.
Ấn Độ được đánh giá là nước tiến nhanh nhất. Hai nước đã thống nhất 19 lĩnh vực đàm phán, bao gồm nông sản, thương mại điện tử và quy tắc xuất xứ, với khung đàm phán hoàn tất sau cuộc gặp giữa Phó Tổng thống Mỹ JD Vance và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Tại Đông Nam Á, Việt Nam, Thái Lan cùng các nước khác đề xuất mua thêm nông sản và khí đốt Mỹ, đồng thời cam kết giảm thuế đối với thép, điện tử và ô tô. Tuy nhiên, các nước này cũng nhấn mạnh rằng đàm phán phải bảo đảm lợi ích hai chiều.
Bắc Mỹ và châu Âu thận trọng
Trong khi đó, các đối tác thương mại Mỹ tại Bắc Mỹ và châu Âu vẫn đang cố gắng xác định các điều kiện cơ bản của các cuộc đàm phán, từ phạm vi thảo luận đến người điều phối chính sách thương mại ở Washington. Họ cũng thể hiện ít lo lắng hơn về tiến độ. Theo họ, đi trước sẽ đi kèm với rủi ro. Hơn nữa, nhìn vào sự thiếu kiên nhẫn của ông Trump trước phản ứng cứng rắn từ Trung Quốc, nhiều nước cho rằng kiên nhẫn là cách tiếp cận an toàn hơn.
Các quan chức Liên minh châu Âu (EU) sau cuộc thảo luận ban đầu tại Washington giữa tháng 4 đã nhận định rằng rất khó có khả năng tránh được mức thuế cơ bản 10%, thậm chí cao hơn nữa nếu đàm phán không đạt tiến triển. Brussels đã chuẩn bị các biện pháp trả đũa, bao gồm áp thuế lên thép và nhôm nhập khẩu từ Mỹ, cũng như hạn chế xuất khẩu.
Vương quốc Anh, đối mặt với mức thuế 10%, cũng không vội vàng. "Chúng tôi sẵn sàng đàm phán nhưng sẽ không hấp tấp", Bộ trưởng Tài chính Rachel Reeves nói với báo giới tại Washington.
Thủ tướng Canada Mark Carney cho biết Canada cũng sẽ hành động chậm rãi. "Chúng tôi không cần phải ký thỏa thuận ngay lập tức”, ông Carney tuyên bố.
Tại châu Âu, Thụy Sĩ là nước phản ứng nhanh, khi đối mặt với mức thuế 31%. Chính phủ Thụy Sĩ cho biết họ nằm trong số 15 quốc gia được Mỹ ưu tiên đàm phán và mức thuế sẽ được giữ ở 10% trong suốt tiến trình, ngay cả khi kéo dài vượt thời hạn 90 ngày.
>> Lộ diện quốc gia đầu tiên ký thỏa thuận thương mại với Mỹ?