Mỹ bổ sung các biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân người dùng ở châu Âu, tháo gỡ 'nút thắt' trong thoả thuận chia sẻ dữ liệu xuyên Đại Tây Dương với EU.
EU cho biết thỏa thuận mới về chia sẻ dữ liệu xuyên Đại Tây Dương sẽ có hiệu lực kể từ đầu tuần sau. Động thái nhằm trấn an hàng nghìn công ty về việc chuyển thông tin cá nhân giữa châu Âu và Mỹ.
Theo đó, Uỷ ban châu Âu nói rằng sắc lệnh hành pháp gần đây do Tổng thống Mỹ Joe Biden ban hành đã áp đặt bổ sung những nghĩa vụ bảo vệ đầy đủ quyền riêng tư đối với các công dân châu Âu. Bởi vậy, các doanh nghiệp toàn cầu có thể chuyển dữ liệu một cách an toàn theo khuôn khổ mới, bao gồm xử lý có trách nhiệm và xoá thông tin cá nhân người dùng.
Năm 2020, toà án công lý châu Âu huỷ bỏ thoả thuận chia sẻ dữ liệu giữa EU và Mỹ (còn gọi là thoả thuận “lá chắn quyền riêng tư”) với lập luận rằng các quy định giới hạn Washington truy cập dữ liệu không đủ mạnh “tương đương” với các bộ luật của EU, chẳng hạn như Quy định chung về bảo vệ dữ liệu châu Âu (GDPR). Trước đó hai thập kỷ, toà án này cũng không thông qua một hiệp ước truyền dữ liệu giữa hai đầu Đại Tây Dương.
Mỹ buộc phải tìm cách khôi phục thoả thuận chia sẻ dữ liệu để tạo điều kiện cho dữ liệu của hàng nghìn công ty, doanh nghiệp công nghệ, ngân hàng, công ty luật và nhà sản xuất ô tô, được luân chuyển dễ dàng giữa hai khu vực.
Sắc lệnh hành pháp mới của chính quyền Tổng thống Biden bổ sung yêu cầu xoá dữ liệu cá nhân khi không cần thiết, các biện pháp bảo vệ thông tin khi chia sẻ với bên thứ ba và khả năng công dân EU được quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại trong trường hợp dữ liệu cá nhân của họ bị xử lý sai trái.
Các quan chức cho biết, EU đã thực hiện đánh giá của riêng mình và đơn phương quyết định rằng những nhượng bộ mới nhất của Mỹ là hợp lý về mặt pháp lý và cung cấp đủ các biện pháp bảo vệ.
“Chúng tôi muốn đảm bảo rằng những tiến bộ công nghệ không phải trả giá bằng lòng tin của người dân châu Âu. Với tư cách là đối tác gần gũi cùng chí hướng, EU và Mỹ có thể tìm ra giải pháp dựa trên giá trị chung vừa hợp pháp, vừa khả thi trong các hệ thống tương ứng của hai bên”, Didier Reynders, uỷ viên công lý của EU cho hay.
Trong khi đó, các nhà hoạt động và tổ chức xã hội chỉ trích thoả thuận này có thiếu sót và đe doạ có thể thực hiện hành động pháp lý khi quy định mới đi vào thực tiễn. “Thoả thuận mới không dựa trên những thay đổi quan trọng mà chỉ là lợi ích chính trị của các bên”, Max Schrems, nhà vận động quyền riêng tư nói.
Thoả thuận chia sẻ dữ liệu Mỹ - EU sẽ được đánh giá định kỳ với vòng xem xét đầu tiên diễn ra trong vòng một năm kể từ khi có hiệu lực.
(Theo FT)
Nga thông báo cho Mỹ 30 phút trước khi bắn tên lửa Oreshnik vào Ukraine
Phản ứng của Mỹ và Israel đối với lệnh bắt Thủ tướng Netanyahu từ ICC