Việt Nam đưa 18 cầu thủ ‘du học’ tại lò đào tạo bóng đá danh tiếng bậc nhất Nam Mỹ, hướng tới giấc mơ World Cup 2034
Đây là một bước đi mang tính lịch sử, chưa từng có tiền lệ của nền bóng đá Việt Nam.
Ngày 5/7 vừa qua (giờ địa phương), tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil), Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu đã chứng kiến lễ ký kết một số thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và Brazil. Đáng chú ý, lĩnh vực bóng đá cũng vinh dự góp mặt trong các thỏa thuận này.

Cụ thể, CLB bóng đá TP. Hồ Chí Minh đã ký kết hợp tác với CLB Gremio – một trong những lò đào tạo danh tiếng hàng đầu về đào tạo cầu thủ trẻ trong thời hạn 3 năm. Theo thỏa thuận, mỗi năm CLB Gremio sẽ tiếp nhận 18 cầu thủ trẻ thuộc độ tuổi 15-17 từ CLB TP. Hồ Chí Minh để đào tạo dài hạn.
CLB Gremio là một trong những đội bóng hàng đầu tại Brazil và Nam Mỹ, từng 2 lần vô địch Serie A Brazil, 5 lần đăng quang Cúp Quốc gia và 3 lần lên ngôi tại Giải các CLB Nam Mỹ; hiện được dẫn dắt bởi HLV kỳ cựu Luiz Felipe Scolari – người từng đưa Đội tuyển Brazil lên ngôi vô địch World Cup 2002. Tuy nhiên, điều khiến Gremio nổi bật hơn cả là học viện đào tạo trẻ, nơi đã sản sinh ra những danh thủ nổi tiếng như Ronaldinho, Everton Cebolinha, Douglas Costa, Lucas Leiva, Anderson Oliveira…
Đó cũng chính là lý do CLB TP. Hồ Chí Minh quyết định hợp tác với Gremio với kỳ vọng sẽ tạo ra một thế hệ cầu thủ tài năng cho bóng đá Việt Nam. Trong đợt đầu tiên, 18 cầu thủ được lựa chọn sang Brazil đều là những gương mặt xuất sắc nhất, trong đó có 13 người từng khoác áo các đội tuyển U16, U17 và U19 Việt Nam.
Một số cái tên đáng chú ý gồm tiền đạo Nguyễn Lê Quang Khôi (sinh năm 2009), thủ môn cao 1m87 Hoa Xuân Tín (2008), hậu vệ Phạm Duy Long (2008), Lê Khả Đức (2007), Trương Nhạc Minh (2006)...

Lãnh đạo CLB TP. Hồ Chí Minh cho biết, các cầu thủ sẽ được phân bổ vào các đội trẻ phù hợp với độ tuổi tại Học viện Gremio, không tập luyện riêng biệt. Hàng tháng, các huấn luyện viên tại Học viện sẽ gửi báo cáo đánh giá chi tiết về quá trình rèn luyện và phát triển của từng cầu thủ cho phía CLB TP. Hồ Chí Minh theo dõi.
Ngoài việc được tập luyện trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp, các cầu thủ trẻ còn có cơ hội thi đấu giao hữu hàng tuần, tham dự nhiều giải trẻ tại Brazil và Nam Mỹ – nơi luôn sôi động với các sân chơi chất lượng. Dù chi phí đào tạo tại Brazil cao gấp 3-4 lần bình thường với chi phí khoảng 30-40 tỷ đồng/năm, CLB TP. Hồ Chí Minh vẫn quyết tâm đầu tư vì tương lai lâu dài.
Người hâm mộ kỳ vọng rằng việc được "hít thở" bầu không khí bóng đá đỉnh cao mỗi ngày, rèn luyện trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, tiếp cận chế độ dinh dưỡng khoa học, kỷ luật và đạo đức nghề nghiệp… sẽ tạo nên một cuộc cách mạng trong tư duy của các cầu thủ trẻ.

Những cầu thủ trở về từ Brazil sẽ lan tỏa tinh thần chuyên nghiệp đến đồng đội, góp phần thay đổi diện mạo bóng đá trong nước.
Xa hơn, nếu mô hình này thành công và tạo được hiệu ứng lan tỏa, nhiều CLB khác có thể sẽ mạnh dạn đầu tư bài bản hơn cho cầu thủ trẻ bằng việc gửi họ đi đào tạo tại các nền bóng đá phát triển.
Đó chính là nền tảng vững chắc để bóng đá Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu lớn: lần đầu tiên góp mặt tại Vòng Chung kết World Cup vào năm 2034 – như trong đề án vừa được công bố gần đây.