Cục Xuất nhập khẩu dự báo xuất khẩu mặt hàng này sẽ khả quan hơn trong năm 2023 khi Trung Quốc nới lỏng chính sách Zero COVID và cấp "visa" cho nhiều loại rau quả của Việt Nam.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy giá trị xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 12/2022 đạt 312,5 triệu USD, tăng 2% so với tháng 11/2022 và tăng 5,9% so với tháng 12/2021. Tính chung cả năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả đạt 3,4 tỷ USD, giảm 5% so với năm 2021.
Trong năm 2022, xuất khẩu hàng rau quả tới hầu hết các thị trường đều tăng trưởng tốt, trừ thị trường Trung Quốc. Xuất khẩu tới Trung Quốc giảm do nhu cầu của thị trường giảm bởi tác động của chính sách “Zero COVID”.
Chính sách “Zezo COVID” của Trung Quốc đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng rau quả của Việt Nam. Tuy nhiên, tháng cuối năm 2022, Trung Quốc đã nới lỏng chính sách “Zezo COVID” nên tình hình khởi sắc hơn.
Theo đó, giá tri xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường Trung Quốc trong tháng 12/2022 đạt 159 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2021. Một số sản phẩm như sầu riêng, thanh long, chuối… đã xuất khẩu được sang thị trường Trung Quốc.
Mới đây, hai bên đã ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với khoai lang của Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc, điều này sẽ mở ra cơ hội cho xuất khẩu khoai lang của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc.
Xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng cao, do đó xuất khẩu mặt hàng này tới Trung Quốc tăng trưởng tốt, sẽ góp phần thúc đẩy ngành hàng rau quả của Việt Nam tăng trưởng khả quan.
Ngoài ra, nhu cầu tại các thị trường cũng tăng trong dịp lễ hội cuối năm nên trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam tới các thị trường như Hàn Quốc, thị trường Đài Loan, Hà Lan… cũng tăng trưởng tốt trong tháng 12/2022.
Triển vọng xuất khẩu hàng rau quả trong năm 2023 sẽ khởi sắc nhờ các yếu tố tác động như thị trường nhập khẩu hàng rau quả lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc mở cửa trở lại sau thời gian dài áp dụng chính sách “Zero COVID”.
Trong năm 2022, Trung Quốc chính thức cấp phép cho trái sầu riêng, chanh leo và khoai lang của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch; Bên cạnh đó, những loại quả khác như thanh long, xoài, chuối… cũng sẽ được Trung Quốc tăng nhập khẩu, bởi nước này vừa trải qua hạn hán, nhiều diện tích canh tác bị ảnh hưởng.
Cùng với đó, với chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa thị trường cũng sẽ thúc đẩy ngành hàng rau quả tăng trưởng khả quan hơn trong năm 2023. Trong đó, Mỹ và các thị trường trong khối EU có nhu cầu nhập khẩu hàng rau quả lớn, tuy nhiên Việt Nam mới chỉ cung cấp tỷ trọng nhỏ, nên cơ hội mở rộng tới các thị trường này là rất lớn.
Cục Xuất nhập khẩu cho rằng để đẩy mạnh sang các thị trường này, các doanh nghiệp ngành hàng rau quả của Việt Nam cần đáp ứng tốt các yêu cầu khắt khe từ phía thị trường. Bên cạnh đó, xu hướng tiêu dùng thực phẩm hữu cơ đang ngày càng tăng tại thị trường châu Âu và Mỹ, do đó các doanh nghiệp cần quan tâm để đáp ứng đúng xu hướng thị trường.
Xuất khẩu rau quả vượt mốc 6 tỷ USD
Hé lộ nguyên nhân khiến giá cau Việt xuất khẩu sang Trung Quốc lao dốc