Nam Định trở thành cái tên đáng chú ý trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài khi được doanh nghiệp Singapore, Đài Loan rót hàng trăm triệu USD vào các dự án.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 5 tháng đầu năm 2023, bên cạnh Hà Nội (xếp thứ 1 với 1,87 tỷ USD) và Bắc Giang (xếp thứ 2 với hơn 1 tỷ USD), các địa phương khác nằm trong top 10 thu hút vốn đầu tư nước ngoài gồm TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Hải Phòng, Long An, Quảng Ninh và Nghệ An.
Dù chưa thực sự thăng hạng trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhưng với sự xuất hiện của các dự án quy mô lớn gần đây, Nam Định trở thành cái tên đáng chú ý.
Nam Định đón dự án đầu tư 100 triệu USD
Thông tin trên báo Nam Định cho hay, ngày 23/6/2023, lãnh đạo tỉnh Nam Định cùng các lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, văn phòng Tỉnh ủy đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Sunrise Material (Singapore).
Đây là doanh nghiệp được thành lập năm 2004 tại Singapore, chuyên nghiên cứu, sản xuất, cung cấp màng bọc polyme công nghệ cao, đặc biệt là trong lĩnh vực đóng gói thực phẩm.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Tập đoàn Sunrise Material Song Jian cho biết, Sunrise Material có nhu cầu sử dụng 4ha đất để đầu tư Công ty Sunrise Material tại Việt Nam, xây dựng nhà máy sản xuất màng bọc công nghệ cao phục vụ đóng gói chi tiết sản phẩm của ngành công nghiệp, chuyên cung ứng cho thị trường Mỹ.
Các lợi thế trong khâu sản xuất của Sunrise Material đó là chỉ xả nước thải và không gây ô nhiễm môi trường, không sử dụng nhiều điện năng. Tập đoàn muốn tìm hiểu về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ phía tỉnh Nam Định để đưa ra quyết định đầu tư.
Lãnh đạo tỉnh Nam Định làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Sunrise Material (Singapore) |
Về phía Nam Định, lãnh đạo tỉnh đề xuất Tập đoàn Sunrise Material nghiên cứu, có quyết định hợp lý về việc đầu tư tại địa phương này, bởi Nam Định đang là điểm đến được nhiều Tập đoàn, nhà đầu tư lớn trong nước và trên thế giới đánh giá cao với nhiều lợi thế về hệ thống cơ sở hạ tầng đầu tư đồng bộ, nhân lực dồi dào, có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp…
Trong số nhiều khu, cụm công nghiệp của tỉnh, khu công nghiệp Mỹ Thuận hiện đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng hiện đại, sở hữu tính kết nối lưu thông cao với sân bay, cảng biển và có quỹ đất đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng của Tập đoàn.
Nam Định cũng đã thiết kế 2 nguồn điện riêng phục vụ sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp, do đó tỉnh cam kết không cắt điện, đảm bảo duy trì ổn định đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp.
Sau buổi làm việc, Tập đoàn Sunrise Material (Singapore) đã quyết định đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất màng bọc polyme công nghệ cao với giá trị 100 triệu USD tại Nam Định. Chủ tịch Tập đoàn Sunrise Material Song Jian Xin khẳng định sau khi Dự án hoàn thành mỗi năm sẽ nhập khẩu 200 triệu USD và xuất khẩu 500 triệu USD và Dự án sẽ có sản phẩm sau 15 tháng thi công.
Tiềm năng khu công nghiệp Mỹ Thuận
Có diện tích 158,48ha và nằm tại huyện Mỹ Lộc, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, khu công nghiệp Mỹ Thuận được UBND tỉnh Nam Định đã đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, với có vị trí rất thuận lợi trong kết nối hạ tầng giao thông và logistic.
Đầu tháng 6 vừa qua, Tập đoàn JiaWei (Đài Loan, Trung Quốc) và các doanh nghiệp phụ trợ của tập đoàn này cũng đã quyết định đầu tư 3 dự án tại khu công nghiệp Mỹ Thuận với tổng số vốn dự kiến khoảng 100 triệu USD trên diện tích đất gần 15ha.
Trong đó, Tập đoàn JiaWei đầu tư nhà máy sản xuất đồ gia dụng công nghệ cao quy mô 8,5ha, tổng vốn đầu tư 80 triệu USD; Công ty Thiên Hà đầu tư nhà máy in phụ trợ quy mô 2,5ha, tổng vốn đầu tư 10 triệu USD; Công ty Tân Việt Hưng đầu tư nhà máy sản xuất thùng giấy phụ trợ quy mô 3,3ha, tổng vốn đầu tư 10 triệu USD.
Hồi tháng 4/2023, UBND tỉnh Nam Định đã tổ chức lễ ký kết thỏa thuận phát triển dự án sản xuất máy tính với vốn đầu tư dự kiến khoảng 120 triệu USD (2.830 tỷ đồng) tại Khu công nghiệp (KCN) Mỹ Thuận với Tập đoàn Quanta.
Nhà máy tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận, Nam Định có diện tích 22,5ha cho giai đoạn 1, là nhà máy thứ 9 của Quanta trên toàn thế giới. Dự án nhà máy sản xuất máy tính của Tập đoàn Quanta Computer là dự án đầu tiên tỉnh thu hút được vào đầu tư tại khu công nghiệp Mỹ Thuận.
Sau khi hoàn thành xây dựng, nhà đầu tư dự kiến công suất năm 2024 sẽ sản xuất 1,3 triệu chiếc máy tính xách tay/máy tính để bàn; năm 2025 sản xuất 2,6 triệu máy; năm 2026 sản xuất 3,6 triệu máy; năm 2027 sản xuất 4 triệu máy; năm 2028 sản xuất 4,5 triệu máy.
Xuyên đêm thi công cầu dây văng 1.200 tỷ đồng ở Nam Định
Quanta Computer bất ngờ tăng gấp đôi công suất nhà máy sản xuất máy tính 120 triệu USD tại Nam Định