Với loạt biến động trên thị trường bất động sản và chứng khoán thời điểm cuối năm 2021, bước sang năm mới, nhiều người khá phân vân không biết nên đầu tư vào kênh nào?
Năm 2021 có thể nói là năm thị trường bất động sản có nhiều thăng trầm nhất. Giá đất ở nhiều nơi liên tục “sốt nóng”, nhưng lại cũng có nơi “dậm chân tại chỗ”. Tuy nhiên, đánh giá một cách tổng thể và khách quan, thị trường năm vừa qua vẫn ghi nhận mức tăng giá đáng kể, trong khi nguồn cung bị hạn chế.
Đặc biệt, vụ lùm xùm của Tập đoàn Tân Hoàng Minh liên quan đến quá trình đấu giá và bỏ cọc lô đất 3-12 (một trong số 4 lô “đất vàng”) thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TP HCM) đã khiến toàn thị trường được phen “chao đảo”. Giá nhà đất khu vực xung quanh và toàn TP HCM, thậm chí tại các địa phương lân cận bị “thổi” lên chóng mặt.
Còn ở khu vực phía Bắc, thông tin quy hoạch dự án cũng đẩy giá nhà đất ở tất cả các phân khúc tăng trưởng mạnh, nhất là khu vực Sóc Sơn, Hoài Đức, Mê Linh… Một bất động sản có thể tăng từ vài triệu đến hàng chục tỷ đồng.
Với việc giá đất biến động liên tục khiến nhiều người có tài sản này vừa muốn bán nhưng cũng lại vừa có tâm lý sợ bán hớ, còn nhà đầu tư lướt sóng muốn tham gia để không bỏ lỡ cơ hội kiếm lời. Trong khi đó, người có nhu cầu mua nhà, đất để ở thực sự thì ngày càng khó tiếp cận với sản phẩm vì mức giá mãi tiếp đà tăng, không có giảm chỉ trong một thời gian ngắn. Không ít người ngậm ngùi, tiếc nuối vì lưỡng lự không “xuống tiền” ngay trong thời điểm đầu.
Bên cạnh đó, thời điểm cuối năm Tân Sửu 2021, thị trường chứng khoán cũng “sấp ngửa” từ vụ việc Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bán chui gần 75 triệu cổ phiếu FLC.
Với những người đầu tư vào bất động sản hay chứng khoán mà nói, tất cả những điều này như một “cơn ác mộng” phút chót. Việc tính toán lựa chọn đầu tư vào kênh nào trong năm mới thực sự là một bài toán cần được cân nhắc kỹ lưỡng với họ.
Theo Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, đầu tư bất động sản trong năm 2022 vẫn tốt, nhưng có thể cũng xảy ra trường hợp thanh khoản giảm khá mạnh, xuất hiện giảm giá một số nơi đang ở vùng "đỉnh" thời gian qua. Trong bối cảnh này, thị trường đi vào giai đoạn khó khăn thật sự, sẽ là cơ hội cho người có tiền chọn lựa, người càng có tiền nhiều khoảng vài chục tỷ đồng trở lên càng có cơ hội chọn lựa.
Những thông tin bất lợi đến thị trường bất động sản như lãi suất huy động tăng, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo siết tín dụng bất động sản, nợ xấu ngân hàng tăng… sẽ tác động đáng kể tới thị trường trong năm nay. Vì vậy, hiện nay, dễ thấy tâm lý chung của giới kinh doanh bất động sản là trong khi bên ngoài hào hứng về thị trường đang tăng mạnh, thì bên trong mơ hồ về thị trường đóng băng.
Nhìn nhận ở góc độ khác, một chuyên gia vàng có tiếng cho hay, giá vàng thế giới năm 2021 đóng cửa giảm 7,12% so với năm trước ở mức 1.800 USD/ounce, nhưng giá vàng SJC vẫn tăng khoảng 9,63%, đóng cửa ở mức 61,5 triệu đồng/lượng. Mức sinh lợi không quá cao nhưng vẫn hơn so với lãi suất gửi tiết kiệm ở ngân hàng thương mại.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường chứng khoán sôi động và các kênh đầu tư khác như bất động sản đang hấp dẫn, dòng tiền chảy vào vàng đã kém hấp dẫn hơn.
Vị chuyên gia này dự đoán, trong nửa đầu năm 2022, giá vàng thế giới có thể quanh ngưỡng từ 1.700 - 1.900 USD/ounce, nhưng nửa cuối năm có thể có biến động mới.
Nguyên nhân dẫn đến dự báo này là vì giữa tháng 10 năm nay có cuộc bầu cử giữa kỳ của Quốc hội Mỹ sẽ bầu lại số thành viên của Hạ viện và bầu lại 1/3 số thành viên của Thượng nghị sĩ… Do đó, giai đoạn nửa cuối năm giá vàng sẽ có biến động, có thể tăng hoặc giảm khi phụ thuộc diễn biến này, giống như kịch bản vào tháng 8-2020 khi cao trào bầu cử Tổng thống Mỹ và giá vàng thời điểm đó đã lập đỉnh vùng 2.063 USD/ounce và giá vàng SJC vượt 62 triệu đồng/lượng.
Đối với giá vàng trong nước, sự chênh lệch quá lớn của giá vàng SJC và giá vàng thế giới đang khiến thị trường cạnh tranh không hoàn hảo, lượng giao dịch vàng SJC không nhiều và giá không phản ánh đúng xu hướng thị trường. Vì vậy, những người tham gia, dù bán hay mua cũng dễ bị thiệt hại.