Hòa Phát sắp khởi công nhà máy làm ray thép tàu cao tốc, đặt nền móng cho loạt dự án đường sắt trăm tỷ USD
Với động thái chuẩn bị khởi công nhà máy làm ray thép tàu cao tốc và thép hình đặc biệt tại Quảng Ngãi, Hòa Phát đã sẵn sàng bước vào "đường đua" góp sức làm siêu dự án giao thông trọng điểm quốc gia.
Báo Lao Động đưa tin cho biết, ngày 18/7, Tập đoàn Hòa Phát (mã: HPG) xác nhận trong tháng 8/2025, doanh nghiệp này sẽ tiến hành khởi công nhà máy sản xuất ray thép tàu cao tốc và thép hình đặc biệt tại Khu Kinh tế Dung Quất, nhằm cung cấp các sản phẩm cho các dự án trọng điểm quốc gia như: Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Dự án đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai... cùng nhiều dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. HCM.
Theo tiết lộ của Hòa Phát, trong quý II/2025, Tập đoàn Hòa Phát đã ghi nhận hơn 36.000 tỷ đồng doanh thu và 4.300 tỷ đồng tiền lợi nhuận sau thuế.
>> Cơ chế đã mở, siêu dự án đường sắt tốc độ cao 67 tỷ USD chờ 'cuộc đua' của loạt doanh nghiệp Việt

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp này đạt doanh thu hơn 74.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 7.600 tỷ đồng, tăng lần lượt 5% và 23% so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo Quảng Ngãi, Tập đoàn Hòa Phát sẽ hoàn thành lò cao số 6 thuộc phần kỳ của Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 vào tháng 9/2025.
Dự kiến sau khi hoàn thành, sản lượng thép của tập đoàn sẽ đạt tổng cộng 16 triệu tấn/năm, trong đó có 9 triệu tấn thép cuộn cán nóng, có thể đáp ứng 100% nhu cầu với sản phẩm này tại thị trường trong nước.

Trong năm 2025, Hòa Phát đạt kế hoạch kinh doanh 170.000 tỷ đồng doanh thu và 15.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Chỉ sau 6 tháng đầu năm, Hòa Phát đã hoàn thành 44% kế hoạch doanh thu và 51% kế hoạch lợi nhuận sau thuế. Trong số đó, nhóm thép và các sản phẩm liên quan đóng góp chính gần 90% vào doanh thu hợp nhất Tập đoàn.
Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đã được Quốc hội chốt chủ trương đầu tư vào tháng 11/2024.
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có chiều dài 1.541km, điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP. HCM), đi qua 15 tỉnh thành sau khi sắp xếp đơn vị hành chính với tổng vốn đầu tư khoảng 67 tỷ USD.
Toàn tuyến được đầu tư khổ đôi 1.435mm với tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; có 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Dự án này dự kiến khởi công vào năm 2027.
Tuyến metro gần 48.000 tỷ THACO và Hòa Phát ‘ngỏ ý’ đầu tư có diễn biến mới
TP. HCM tính mở đường cho tư nhân làm đường sắt đô thị: Liên danh Hòa Phát nhận cơ hội lớn