Hang động này nổi bật với vai trò như một bảo tàng lưu giữ văn bia khắc trên vách núi, những tác phẩm điêu khắc đích thực trải dài suốt 7 thế kỷ qua.
Động Kính Chủ còn có tên gọi khác là động Dương Nham, tọa lạc ở làng Dương Nham, phường Phạm Thái, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Nơi này là một phần quan trọng của cụm Di tích quốc gia đặc biệt bao gồm đền An Phụ - Động Kính Chủ - chùa Nhẫm Dương. Cái tên "Nam thiên đệ lục động" (động đẹp thứ 6 trời Nam) là danh xưng được chính vua Lê Thánh Tông phong tặng cho nơi này.
Động bao gồm nhiều ngọn núi nối liền nhau, nhìn từ xa, động Kính Chủ trông giống như một hòn non bộ giữa mênh mông trời đất. Ở xung quanh còn có nhiều hang động khác đã được lịch sử địa phương ghi chép như hang Vang, hang Mũ Nước, hang Trâu, hang Luồn, động Cô Tiên,… cùng những cánh đồng trù phú và xóm, làng đan xen.
Nền động Kính Chủ có độ cao khoảng 20m so với đồng ruộng ở chân núi, ánh sáng khá tốt, thoáng về mùa hè và ấm áp về mùa đông nên cũng từng là nơi cư trú thuận lợi của người tiền sử. Bằng chứng là có nhiều di vật, công cụ lao động của người xưa đã được tìm thấy ở đây.
Trong động có chùa Kính Chủ thờ Phật, Minh Không thiền sư, Lý Thần Tông, Huyền Quang tôn giả và nhiều tượng trong kinh Phật được tạc bằng đá. Ở bên trái cửa động có bốn chữ lớn “Vân Thạch thư thất” (Nhà sách Vân Thạch) và bốn chữ nhỏ “Phạm Sư Mạnh thư” (Phạm Sư Mệnh viết), vốn là nơi đọc sách của Phạm Sư Mệnh - một vị quan nổi danh thời Trần.
Suốt nhiều thế kỷ, động Kính Chủ được con người tôn tạo, bảo vệ, cùng với những cảnh quan của dãy núi Dương Nham đã trở thành một thắng cảnh ở cửa ngõ miền Đông Bắc đất nước, liền kề miền châu thổ sông Hồng.
Có lẽ do những yếu tố đẹp đẽ đó mà nhiều danh thần, danh nhân các triều đại đã đến đây. Đồng thời cũng có nhiều vua, chúa, cao tăng đã tìm đến thăm động Kính Chủ, cảm tác trước cảnh quan kỳ vĩ và tươi đẹp của núi sông để lại dòng suy tư với đất nước và thời cuộc khắc trên vách đá.
Động Kính Chủ chính là một bảo tàng đặc biệt lưu giữ bộ sưu tập văn tự Hán Nôm có giá trị độc bản, với sự xuất hiện của các dạng chữ Hán cổ: triện, khải, chân. Sự thể hiện của mỹ thuật trang trí hoa văn trên bia qua các triều đại: Trần, Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng, Nguyễn, rất có giá trị trong việc nghiên cứu lịch sử phát triển văn tự, văn phong qua các thời kỳ lịch sử của đất nước.
Năm 2018, Hệ thống bia ma nhai bằng chữ Hán Nôm được lưu giữ trong hang động Kính Chủ suốt 7 thế kỷ được Thủ tướng ký quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia.