Nga bất ngờ dừng mua USD, chuyện gì đã xảy ra?
Biện pháp khẩn cấp này được đưa ra nhằm kiềm chế sự biến động mạnh mẽ của đồng rúp. Được biết, ngày 27/11, đồng rúp Nga đã giảm sâu xuống mức kỷ lục 114 rúp đổi 1 USD.
Mới đây, ngày 27/11 (theo giờ địa phương), Ngân hàng Trung ương Nga đã bất ngờ công bố quyết định ngừng mua ngoại tệ trên thị trường trong nước từ ngày 28/11 đến cuối năm.
Biện pháp khẩn cấp này được đưa ra nhằm kiềm chế sự biến động mạnh mẽ của đồng rúp. Được biết, ngày 27/11, đồng rúp Nga đã giảm sâu xuống mức kỷ lục 114 rúp đổi 1 USD.
Các lệnh trừng phạt mới của phương Tây cũng như căng thẳng địa chính trị leo thang đã ảnh hưởng đến đồng nội tệ Nga trong những tuần gần đây. Ngân hàng Trung ương Nga nhấn mạnh: "Quyết định này được đưa ra nhằm giảm bớt sự biến động của thị trường tài chính".
Bộ trưởng Tài chính Nga cũng đã tìm cách xoa dịu những lo ngại về sự sụt giảm mạnh của đồng rúp, nói rằng điều đó sẽ "rất có lợi cho xuất khẩu". Đồng tiền yếu hơn có nghĩa là hàng hóa của Moscow có vẻ rẻ hơn trên thị trường thế giới. Nhưng điều này cũng có nghĩa người Nga phải trả nhiều tiền hơn cho hàng nhập khẩu, nhiều khả năng sẽ đẩy lạm phát vốn đã cao trong nước đi lên.
Ngoài ra, cùng với việc tạm dừng mua USD, Cơ quan quản lý sẽ tiếp tục bán ngoại tệ nhằm bổ sung cho Quỹ tài sản quốc gia.
Đây không phải lần đầu tiên Ngân hàng Trung ương Nga sử dụng biện pháp này. Năm ngoái, Nga cũng từng ngừng mua USD từ ngày 10/8 đến hết năm để ngăn chặn đồng rúp suy yếu sau các lệnh trừng phạt liên quan đến cuộc xung đột với Ukraine.
Tuy nhiên, tình thế hiện tại có phần khác biệt. Tuần trước, Mỹ đã mở rộng các hạn chế đối với lĩnh vực tài chính của Nga. Lệnh trừng phạt mới của Mỹ đã nhắm vào Gazprombank, ngân hàng lớn thứ ba của Nga và đóng vai trò chủ chốt trong xử lý thanh toán xuất khẩu năng lượng.
Hạn chế này không chỉ khiến dòng tiền ngoại tệ khó đổ vào Nga mà còn làm phức tạp thêm các giao dịch thương mại quốc tế. Theo các nhà phân tích tại Rosbank, xu hướng đồng rúp mất giá có thể kéo dài tới năm 2025.
Mặt khác, dù đồng rúp yếu gây nhiều lo ngại, một số chuyên gia cho rằng đây lại là yếu tố tích cực giúp Nga cải thiện ngân sách. Phần lớn doanh thu xuất khẩu năng lượng của Nga được thanh toán bằng USD và euro, nên khi quy đổi sang rúp, số tiền này tăng lên đáng kể, bù đắp phần nào tác động từ lãi suất cao.
Tham khảo RT, Barron's