Nga thu về hàng tỷ USD từ Mỹ và châu Âu
Nga vẫn thu lợi hàng tỷ USD từ sự phụ thuộc của Mỹ và châu Âu vào nhiên liệu hạt nhân.
Mỹ và các đồng minh châu Âu đang nhập khẩu một lượng lớn hợp chất và nhiên liệu hạt nhân từ Nga, mang lại cho Moskva hàng trăm triệu USD doanh thu rất cần thiết trong bối cảnh nước này có xung đột với Ukraine.
Sự phụ thuộc vào các sản phẩm hạt nhân của Nga - được sử dụng chủ yếu để cung cấp nhiên liệu cho các lò phản ứng dân sự - khiến Mỹ và các đồng minh của họ có nguy cơ thiếu năng lượng nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin cắt nguồn cung. Thách thức có thể sẽ trở nên gay gắt hơn khi các quốc gia đó tìm cách thúc đẩy sản xuất điện không phát thải để chống biến đổi khí hậu.
Theo dữ liệu thương mại và các chuyên gia, Nga đã bán khoảng 1,7 tỷ USD sản phẩm hạt nhân cho các công ty ở Mỹ và châu Âu. Các giao dịch diễn ra khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Moskva liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra đầu năm năm 2022, ngăn chặn nhập khẩu các mặt hàng chủ lực của Nga như dầu, khí đốt, rượu vodka và trứng cá muối.
Tuy nhiên, phương Tây đã không nhắm mục tiêu nhằm vào xuất khẩu hạt nhân của Nga, bởi vì chúng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hoạt động của các lò phản ứng của họ. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, Nga đã cung cấp khoảng 12% uranium cho ngành công nghiệp hạt nhân của nước này vào năm ngoái. Châu Âu báo cáo nhận được khoảng 17% uranium vào năm 2022 từ Nga.
Sự phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân dự kiến sẽ tăng lên khi các quốc gia tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho nhiên liệu hóa thạch. Các nhà máy điện hạt nhân không tạo ra khí thải, mặc dù các chuyên gia cảnh báo rằng năng lượng hạt nhân đi kèm với nguy cơ tan chảy lò phản ứng và thách thức về cách lưu trữ chất thải phóng xạ một cách an toàn. Có khoảng 60 lò phản ứng đang được xây dựng trên khắp thế giới - 300 lò nữa đang trong giai đoạn lập kế hoạch.
Nhiều trong số 30 quốc gia sản xuất năng lượng hạt nhân với khoảng 440 nhà máy đang nhập khẩu vật liệu phóng xạ từ tập đoàn năng lượng quốc doanh Rosatom của Nga và các công ty con của họ. Rosatom dẫn đầu thế giới về làm giàu uranium và đứng thứ 3 về sản xuất uranium cũng như chế tạo nhiên liệu, theo báo cáo thường niên năm 2022.
Rosatom, từng cho biết họ đang xây dựng 33 lò phản ứng mới ở 10 nước, và các công ty con đã xuất khẩu khoảng 2,2 tỷ USD sản phẩm và vật liệu liên quan đến năng lượng hạt nhân vào năm ngoái, theo dữ liệu thương mại được phân tích bởi Viện nghiên cứu an ninh và quốc phòng RUSI, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại London. Viện này cho biết con số thực tế có thể lớn hơn nhiều vì rất khó theo dõi việc xuất khẩu như vậy.
Giám đốc điều hành của Rosatom, Alexei Likhachyov nói với tờ báo Nga Izvestia rằng hoạt động kinh doanh ở nước ngoài của công ty sẽ đạt tổng trị giá 200 tỷ USD trong thập kỷ tới. Các chuyên gia cho biết hoạt động kinh doanh dân sự béo bở đó cung cấp nguồn tài chính quan trọng cho trách nhiệm chính khác của Rosatom: thiết kế và sản xuất kho vũ khí nguyên tử của Nga, các chuyên gia cho biết.
Những người ủng hộ năng lượng hạt nhân cho rằng Mỹ và một số nước châu Âu sẽ gặp khó khăn trong việc cắt giảm nhập khẩu các sản phẩm hạt nhân của Nga. Ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân của Mỹ, phần lớn sử dụng nguồn nhiên liệu bên ngoài, sản xuất khoảng 20% điện năng của Mỹ.
Giá trị nhiên liệu và sản phẩm hạt nhân của Nga xuất khẩu sang Mỹ đạt 871 triệu USD vào năm ngoái, tăng so với 689 triệu USD vào năm 2021 và 610 triệu USD vào năm 2020, theo Cơ quan Thống kê Mỹ. Về khối lượng, nhập khẩu các sản phẩm uranium từ Nga của Mỹ tăng gần gấp đôi từ 6,3 tấn năm 2020 lên 12,5 tấn vào năm 2022, theo dữ liệu thương mại từ ImportGenius.
Những lý do cho sự phụ thuộc đó đã có từ nhiều thập kỷ trước. Các chuyên gia cho biết, ngành công nghiệp uranium của Mỹ đã bị ảnh hưởng nặng nề sau thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân năm 1993 dẫn đến việc nhập khẩu uranium giá rẻ từ Nga.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, các nhà máy hạt nhân của nước này đã mua 5% lượng uranium của họ từ các nhà cung cấp trong nước vào năm 2021, năm gần nhất có dữ liệu sản xuất chính thức của Mỹ. Nguồn uranium lớn nhất cho các nhà máy hạt nhân của Mỹ là Kazakhstan, nơi đóng góp khoảng 35% nguồn cung. Là một đồng minh thân cận của Nga, Kazakhstan là nhà sản xuất uranium lớn nhất thế giới.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết họ đang cố gắng khôi phục hoạt động khai thác uranium và sản xuất nhiên liệu hạt nhân, đồng thời Quốc hội Mỹ đã đưa ra luật để đẩy nhanh quá trình đó.
Tuy nhiên, trong tuần này, Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố thành lập một đài tưởng niệm quốc gia để bảo tồn vùng đất xung quanh Công viên Quốc gia Grand Canyon nhằm ngăn chặn việc khai thác uranium mới trong khu vực.
Về phần mình, châu Âu đang bị ràng buộc lớn bởi vì họ có 19 lò phản ứng do Nga thiết kế ở 5 quốc gia phụ thuộc hoàn toàn vào nhiên liệu hạt nhân của Moskva. Pháp cũng có lịch sử lâu dài phụ thuộc vào uranium làm giàu từ Nga. Trong một báo cáo được công bố vào tháng 3 năm nay, Greenpeace (tổ chức Hòa bình Xanh), trích dẫn cơ sở dữ liệu Comtrade của Liên hợp quốc, cho thấy rằng nhập khẩu uranium làm giàu của Pháp từ Nga đã tăng từ 110 tấn vào năm 2021 lên 312 tấn vào năm 2022.
Châu Âu đã chi gần 828 triệu USD (gần 750 triệu euro) vào năm ngoái cho các sản phẩm công nghiệp hạt nhân của Nga - bao gồm nhiên liệu, các bộ phận và máy móc của lò phản ứng hạt nhân, theo Cơ quan thống kê của EU (Eurostat).
Một số quốc gia châu Âu đang thực hiện các bước để loại bỏ uranium của Nga. Ngay từ đầu cuộc xung đột Ukraine, Thụy Điển đã từ chối mua nhiên liệu hạt nhân của Nga. Phần Lan, nước phụ thuộc vào năng lượng của Nga tại hai trong số năm lò phản ứng của họ, đã hủy bỏ một thỏa thuận với Rosatom để xây dựng một nhà máy điện hạt nhân mới. Công ty năng lượng Phần Lan Fortum cũng đã công bố một thỏa thuận với Công ty năng lượng Westinghouse của Mỹ để cung cấp nhiên liệu cho hai lò phản ứng sau khi hợp đồng với công ty con Tvel của Rosatom hết hạn trong 7 năm tới.
CH Séc cũng đã tìm cách loại bỏ hoàn toàn nguồn cung cấp của Nga và chuyển sang Westinghouse và công ty Framatome của Pháp để vận chuyển các tổ hợp nhiên liệu trong tương lai cho nhà máy điện hạt nhân duy nhất của họ, hiện do Tvel cung cấp, với nguồn cung mới dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2024. Slovakia và Bulgaria, hai quốc gia khác dựa vào Tvel để cung cấp nhiên liệu hạt nhân, cũng đã chuyển sang các nhà cung cấp khác.
Bất chấp những thách thức, một số chuyên gia cho rằng áp lực chính trị và những nghi ngờ về khả năng cắt nguồn cung của Nga cuối cùng sẽ thúc đẩy phần lớn châu Âu từ bỏ Rosatom.
PV