Ngân hàng ACB: Từ 'tay buôn vàng' lẫy lừng đến cuộc tháo chạy 'dọn sạch' bảng cân đối và những chấm sáng gợi nhớ thời hoàng kim

24-04-2024 02:17|Khởi Phong

Ngày 23/4, thông tin Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) trúng thầu 1.400 lượng vàng trong phiên đấu thầu của NHNN đã nhận được sự quan tâm của dư luận. Không ít nhà đầu tư vẫn còn nhớ, trong quá khứ, ACB từng là “một tay buôn vàng” lẫy lừng trong giới tài chính.

"Tay buôn vàng sừng sỏ"

Sàn giao dịch vàng đầu tiên tại Việt Nam chính là Sàn Giao dịch vàng ACB, được thành lập vào ngày 25/5/2007 với tên gọi ban đầu là Trung tâm Giao dịch vàng Sài Gòn - trực thuộc ACB gồm 9 thành viên. Các thành viên tham gia là các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kinh doanh vàng có quy mô vốn lớn, có kinh nghiệm hoạt động kinh doanh vàng.

Ban đầu, Trung tâm Giao dịch Vàng ACB hay còn được là sàn vàng ACB là nơi bán buôn giữa các thành viên. ACB đóng vai trò vừa là người tổ chức, vừa là thành viên trực tiếp tham gia giao dịch. Tuy nhiên khối lượng giao dịch thời gian đầu không lớn.

Trên thực tế, giữa năm 2007, khi ACB “lặng lẽ” sang Thượng Hải học mô hình về mở sàn giao dịch vàng, không mấy người quan tâm do các nhà đầu tư lúc này vẫn đang say sưa với thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, sau đó ít lâu, gió đã đổi chiều.

fffffffffff
Hình ảnh minh họa

Tháng 12/2007, trên cơ sở hoạt động của sàn giao dịch vàng giữa các thành viên, ACB triển khai sản phẩm “Đầu tư vàng tại ACB” dành cho cá nhân. Từ đó khối lượng giao dịch trên sàn gia tăng đột biến.

Đứng trước nhu cầu tham gia giao dịch vàng của các cá nhân tăng mạnh và sức hấp dẫn về lợi nhuận thu được từ việc tổ chức sàn giao dịch vàng, nhiều ngân hàng thương mại và một số doanh nghiệp kinh doanh vàng đã thành lập các sàn giao dịch vàng như: sàn giao dịch vàng của NHTMCP Việt Á, Phương Nam, Đông Á, Sacombank, Sàn vàng Phố Wall, Sàn vàng Thế giới…

Cuối năm 2008, cuộc cạnh tranh giữa các sàn vàng ngày càng trở nên hấp dẫn với nhiều tiện ích phong phú, từ sản phẩm mua bán giao ngay sơ khởi tới xuất hiện hình thức mua - bán tương lai, giao sau; từ chỗ quá tải về công nghệ, độc quyền dịch vụ đến cạnh tranh, câu khách.

Với ACB, ở thời điểm sôi động nhất, Trung tâm Giao dịch vàng của ngân hàng một ngày có thể đạt doanh số lên đến hơn 8.000 tỷ đồng. Còn BCTC của nhà băng này thì phản ánh, trong 3 năm từ 2008-2010, ACB lãi gần 1.300 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng.

>> Giá vàng hôm nay 21/4/2024 chịu áp lực bán tháo, vàng hạ nhiệt

Bão đến – "Gánh vàng" trở thành "Gánh nợ"

Sự cố pháp lý đột ngột xảy ra vào tháng 8/2012 liên quan đến một số cựu lãnh đạo ACB đã giáng một đòn lớn vào hoạt động kinh doanh của ngân hàng, trong đó có mảng huy động và kinh doanh vàng.

Cùng lúc đó, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành hàng loạt các quy định về chấm dứt huy động và cho vay bằng vàng, quản lý chặt chẽ việc sản xuất, lưu thông vàng miếng cũng như đóng trạng thái vàng.

Thời hạn các tổ chức phải hoàn thành đóng trạng thái vàng ban đầu khá gấp, quy định trước 25/12/2012, sau đó được gia hạn đến 30/6/2013.

Vào thời điểm khó khăn nhất, ông Trần Mộng Hùng – thành viên sáng lập ACB đã quay trở lại HĐQT. Đồng thời, con trai ông Hùng là ông Trần Hùng Huy cũng tiếp quản ghế Chủ tịch HĐQT và trở thành vị Chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam. Lúc này ông Trần Hùng Huy ra mắt truyền thông với mái tóc muối tiêu điểm bạc mặc dù mới 34 tuổi.

fffffffffff
Chủ tịch Trần Hùng Huy thời điểm mới ngồi ghế nóng (2012-2013)

Hàng loạt khó khăn bủa vây đã khiến hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối của ACB trong năm 2012 lỗ kỷ lục 1.864 tỷ đồng, kéo theo tổng thu nhập thuần của Ngân hàng sụt giảm 22% so với năm trước đó.

Dưới sự lãnh đạo của HĐQT và Ban điều hành, ACB đã nỗ lực lành mạnh hóa cơ cấu bảng tổng kết tài sản thông qua việc xử lý các tồn đọng liên quan đến hoạt động kinh doanh vàng theo chủ trương của NHNN.

Tính đến ngày cuối năm 2012, bảng cân đối kế toán của ACB còn ghi nhận số dư 4.327 tỷ đồng của Vàng, giảm hơn 27% so với cuối năm 2011. Bên cạnh đó, các khoản phải thu từ đối tác nước ngoài liên quan đến hoạt động kinh doanh vàng tài khoản là 1.447 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 13.179 tỷ đồng của năm 2011.

fffffffffff
Trích BCTC ACB 2012

Bước sang năm 2013, ACB vẫn tiếp tục nỗ lực xử lý những tồn đọng liên quan đến tất toán trạng thái vàng theo quy định của NHNN. Nhà băng đã triệt để tất toán trạng thái vàng tài khoản trước thời điểm đến hạn, chấm dứt huy động vàng, tích cực khuyến khích và hỗ trợ khách hàng chuyển đổi dư nợ cho vay bằng vàng sang dư nợ cho vay bằng VND.

Đồng thời trong lĩnh vực thị trường tài chính, nếu trước đây ACB tập trung vào kinh doanh vàng và cho vay liên ngân hàng thì từ năm 2013 đã chuyển hướng sang hoạt động hỗ trợ khách hàng, bao gồm quản lý tài sản nợ và tài sản có, cung cấp dịch vụ bán hàng và bảo hiểm các dịch vụ cho khách hàng…

Năm 2013, lỗ thuần từ kinh doanh vàng và ngoại hối của ACB giảm mạnh từ mức 1.864 tỷ đồng của năm 2012 về còn 77,6 tỷ đồng. Đồng thời, số dư “Vàng” trên bảng cân đối cuối năm cũng giảm mạnh từ 4.327 tỷ đồng xuống còn 43,1 tỷ đồng.

Có thể nói, đến cuối năm 2013, những “gánh nặng" liên quan tới vàng đã trút bỏ được đáng kể trên bảng cân đối của ACB.

fffffffffff
Ngân hàng ACB

Chấm sáng nhỏ...

Từ năm 2014, ACB đã cơ bản giải quyết ổn thỏa câu chuyện liên quan đến vàng và những vấn đề khác, ổn định hoạt động kinh doanh, chính thức quay trở lại "đường đua".

Sau 30 năm thành lập, ACB ngày nay là một trong những ngân hàng lớn với tổng tài sản đạt 719 nghìn tỷ đồng tại 31/12/2023.

Năm 2023, lợi nhuận hợp nhất của ACB đã vượt trên 20.000 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch đề ra và thuộc top nhà băng có hệ số sinh lời tốt nhất với ROE gần 25% - một con số đủ làm hài lòng cổ đông.

Trong sự đóng góp về doanh thu và lợi nhuận của nhà băng cả chục năm nay đã vắng bóng câu chuyện về “vàng”. Trong suốt 12 năm từ 2012-2023, ACB thu từ kinh doanh vàng tổng cộng chỉ hơn 340 tỷ đồng, còn chưa bằng giá trị của 1 phiên giao dịch lớn nhất trong quá khứ.

Dẫu vậy, những khoản thu này vẫn đều đặn xuất hiện trên BCTC mỗi năm, với giá trị từ vài tỷ đến vài chục tỷ, giống như những chấm sáng nhỏ, gợi nhớ về một thời hoàng kim đã xa.

fffffffffff
Tổng hợp từ BCTC của Ngân hàng

>> Ngân hàng của Chủ tịch Trần Hùng Huy trúng thầu 1.400 lượng vàng ngày 23/4

Dưới thời Chủ tịch Trần Hùng Huy, thu nhập nhân viên ACB tăng như thế nào?

Quỹ ngoại vừa thoái vốn kiếm được bao nhiêu tiền sau 6 năm giữ cổ phiếu ACB?

Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy: ACB sẽ không đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ngan-hang-acb-tu-tay-buon-vang-lay-lung-den-cuoc-thao-chay-don-sach-bang-can-doi-va-nhung-cham-sang-goi-nho-thoi-hoang-kim-232095.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Ngân hàng ACB: Từ 'tay buôn vàng' lẫy lừng đến cuộc tháo chạy 'dọn sạch' bảng cân đối và những chấm sáng gợi nhớ thời hoàng kim
POWERED BY ONECMS & INTECH