Theo thống kê từ báo cáo tài chính quý II của 29 ngân hàng trong nước, tính đến hết ngày 30/6, tổng vốn điều lệ các ngân hàng đạt 460.773 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm.
Trong đó, 10 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất bao gồm BIDV, VietinBank, Vietcombank, Techcombank, Agribank, MB, VPBank, ACB, SCB và SHB. Tổng vốn điều lệ của 10 ngân hàng này đạt hơn 298.000 tỷ đồng, chiếm gần 65% tổng vốn điều lệ của 29 ngân hàng theo thống kê.
BIDV duy trì vị trí dẫn đầu trong top 10 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống với gần 40.220 tỷ đồng, giữ nguyên so với cuối năm 2020. Theo sau là VietinBank và Vietcombank với mức vốn điều lệ lần lượt là 37.235 và 37.089 tỷ đồng.
Techcombank vẫn là ngân hàng TMCP duy nhất nằm trong Top 5 với mức vốn điều lệ là 35.049 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn điều lệ của "ông lớn" Agribank ghi nhận tăng 11,5% lên 34.233 tỷ đồng, rút ngắn khoảng cách với Techcombank chỉ còn 816 tỷ đồng.
Đáng chú ý, vốn điều lệ của SCB "bứt tốc" trong 6 tháng đầu năm khi tăng hơn 4.700 tỷ đồng, tương đương tăng 31,4% so với cuối năm ngoái bằng phương án chào bán cổ phiếu ra công chúng. Qua đó, thành công đưa ngân hàng lên vị trí thứ 9 trong bảng xếp hạng.
Theo kế hoạch tăng vốn trong năm nay của SCB, dự kiến đến cuối năm 2021, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ đạt 20.232 tỷ đồng. Như vậy, với 20.020 tỷ đồng vốn hiện nay, không quá khó khăn để SCB có thể hoàn thành kế hoạch năm.
Trong khi đó, SHB tạm thời bảo toàn được vị trí thứ 10 nhờ tăng vốn điều lệ thêm 10% từ 17.510 tỷ đồng cuối năm 2020 lên 19.260 tỷ đồng tính đến 30/6/2021.
Các ngân hàng còn lại trong Top 10 bao gồm: MB (27.987 tỷ đồng), VPBank (25.300 tỷ đồng) và ACB (21.616 tỷ đồng)
Xét về mức tăng trưởng, VIB là ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất nửa đầu năm là 40%. Tính đến 30/6/2021, vốn điều lệ của VIB ghi nhận đạt 15.531 tỷ đồng, thực hiện 97% kế hoạch năm là 16.000 tỷ đồng.
Hai ngân hàng TMCP khác cũng có sự thay đổi trong quy mô vốn điều lệ là Vietbank (14%) và Viet Capital Bank (15,8%).
Tăng vốn vẫn là thách thức lớn với các ngân hàng Việt
Theo bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư Chứng khoán SSI, tăng vốn là một trong hai thách thức lớn mà các ngân hàng Việt cần phải giải quyết để có thể tăng trưởng trong thời gian tới. Theo đó, việc ngân hàng Việt mới chỉ áp dụng đến Basel II trong khi các nước trong khu vực phần lớn đã tiến đến Basel III khiến áp lực tăng vốn gia tăng.
Đồng quan điểm, Tổng Giám đốc TPBank, ông Nguyễn Hưng nhận định ngân hàng lúc nào cũng ở trong xu thế bắt buộc phải tăng vốn để có cơ hội được tăng tín dụng và tăng tổng tài sản. Nhu cầu cấp thiết về tăng vốn sẽ ảnh hưởng đến chuyện được ưu tiên tăng trưởng tín dụng cho nên các ngân hàng cần tăng vốn càng sớm càng tốt.
"Chỉ khi một ngân hàng có quy mô và vốn tự có lớn mới có sức chống chịu trước các biến động của thị trường và có cơ hội tăng trưởng," ông Hưng cho biết thêm.