Trong 7 lần điều chỉnh tỷ giá NHNN đã giảm 10 đồng xuống mức 24.860 đồng/USD, đánh dấu phiên giảm đầu tiên trong năm nay của tỷ giá ngoại tệ này.
Lần đầu tiên kể từ giữa tháng 1/2022, Ngân hàng Nhà nước giảm giá bán USD tại Sở Giao dịch Ngân hàng nhà nước, từ mức 24.870 đồng/USD xuống còn 24.860 đồng/USD. Cụ thể, cơ quan này đã điều chỉnh giá từ ngày 11/11/2022.
Đây là tín hiệu về chính sách cho thấy Ngân hàng Nhà nước chấp nhận bán USD (ở mức giá thấp hơn) ra thị trường, khi tình trạng căng thẳng kéo dài kể từ đầu tháng 10 dường như đã qua.
Gần 10 tháng trước đó, NHNN chỉ có tăng hoặc giữ nguyên giá bán USD từ 23.050 lên 24.870 đồng/USD, tức tăng tổng cộng 1.720 đồng (tăng 7,4%). Lần gần nhất là 24/10, tỷ giá này tăng mạnh 490 đồng lên 24.870 đồng/USD.
Theo thông kế 1 tuần qua, Ngân hàng nhà nước cũng liên tục giảm tỷ giá trung tâm từ mức đỉnh 23.700 đồng/USD (ngày 24/10) xuống còn 23.683 đồng/USD (ngày 11/11), tức giảm 17 đồng. Với biên độ +/-5%, tỷ giá sàn và tỷ giá trần mà các ngân hàng thương mại phải tuân thủ là 22.499-24.867 đồng/USD.
Trên hệ thống ngân hàng thương mại, giá USD cũng hạ nhiệt.
Phiên thứ tư liên tiếp giá USD ở các ngân hàng đi xuống theo xu hướng tỷ giá trung tâm. Tỷ giá tại Vietcombank từ mức 24.877 đồng/USD hôm 4/11 xuống 24.870 đồng/USD hôm 10/11.
Sáng nay (11/11), theo niêm yết mới nhất, BIDV, VietinBank, ACB,... cũng giảm giá USD xuống 24.867 đồng để đảm bảo quy định về tỷ giá trần.
Đáng chú ý, trong khi giá bán USD liên tục đi xuống thì nhiều ngân hàng thương mại lớn có động thái “lạ” chênh lệch giá mua - bán trong 3-4 phiên gần đây bất ngờ thu hẹp đáng kể, xuống chỉ còn 150 đồng giữa giá mua vào và bán ra, thấp hơn so với mức chênh 280-300 đồng thường thấy trong nhiều năm qua.
Đây là tín hiệu cho thấy nhu cầu ngoại tệ trong hệ thống tăng lên. Tuy nhiên, ngoài tác nhân bên ngoài, các yếu tố nội tại của thị trường trong nước cũng khiến lượng lớn ngoại tệ thâm hụt từ đầu năm đến nay. Đó là việc nhóm doanh nghiệp trong nước nhập siêu lớn (khoảng 22 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2022, cùng kỳ năm 2021 là 19,75 tỷ USD) do giá cả nguyên vật liệu, hàng hóa trên thế giới tăng cao.
Trong khi đó, nợ nước ngoài của khối doanh nghiệp ước tính tăng cao trong giai đoạn 2020-2021 (lãi suất thấp, tiếp cận dòng vốn dễ). Theo Bộ Tài chính, dư nợ nước ngoài của doanh nghiệp cuối năm 2021 gần 93 tỷ USD, dẫn tới áp lực trả nợ trong giai đoạn 2022 (lãi suất cao, dòng vốn khó tiếp cận).
Giá USD thấp hơn sẽ là sự cứu cánh cho các nhà vay vốn và nhập khẩu ở Việt Nam, những người có bảng cân đối kế toán chịu áp lực mạnh khi USD mạnh hơn trong năm nay, tương tự với các nền kinh tế thị trường mới nổi đã vay bằng đôla.
Thống kê cho thấy, 10 tháng qua, cả nước đã nhập 303,42 tỷ USD hàng hóa nguyên liệu, máy móc, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước, riêng nhóm hàng cần nhập khẩu đạt 269 tỷ USD, chiếm 88,7% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Trong đó, ngành dệt may nhập khẩu 12,5 tỷ USD vải, tăng 8%; nhập nguyên liệu dệt, may, giày dép gần 6 tỷ USD, tăng 9,6%; nhập bông gần 3,4 tỷ USD, tăng 24%. Ngành thủy sản cũng nhập xấp xỉ 3 tỷ USD, tăng 40,6%...
Tỷ giá USD giảm sâu trở thành tin vui trực đến doanh nghiệp sản xuất thuộc các ngành nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu như dệt may, da giày, điện tử, nhựa… giảm bớt sức ép lợi nhuận của doanh nghiệp.
Theo đánh giá của SSI Research, nhóm doanh nghiệp sử dụng các khoản vay nước ngoài để tài trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ bị tác động mạnh nhất từ rủi ro tỷ giá. Tính từ đầu năm đến nay, VND đã giảm giá 8,6% so với USD.
Hiện chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường sức mạnh đồng bạc xanh đứng ở mức 107,912 điểm.
Để người mặc áo có túi vào kho tiền, ngân hàng bị thanh tra nhắc nhở
Tỷ giá USD hôm nay 11/12: thị trường tự do tiếp tục giảm sâu