Ngân hàng Nhà nước hút ròng 230.000 tỷ đồng, tỷ giá USD/VND vẫn áp lực tăng
Tỷ giá USD/VND được đánh giá còn mong manh cho dù Ngân hàng Nhà nước có động thái can thiệp khá mạnh gần đây. Tuy nhiên, nhìn chung NHNN vẫn còn đủ các công cụ để duy trì tình trạng tương đối ổn định của tỷ giá và lãi suất.
Tỷ giá vẫn đối mặt với áp lực tăng
Trong vài phiên giao dịch gần đây, tỷ giá USD/VND vẫn chịu áp lực tăng cho dù biến động không còn nhiều.
Sau khi lên mức đỉnh cao lịch sử 24.110 đồng/USD hôm 20/10, tỷ giá trung tâm đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh giảm xuống còn 24.087 đồng/USD trong phiên giao dịch 25/10. Với biên độ +/- 5% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng được giao dịch là 25.291 đồng/USD.
Hầu hết các ngân hàng đang để giá USD bán ra ở mức 24.730-24.760 đồng/USD, thấp hơn mức trần và thấp hơn so với đỉnh cao lịch sử 24.888 đồng/USD ghi nhận hôm 25/10/2022. Dù vậy, đây vẫn là mức cao nhất kể từ đầu năm tới nay. Đồng VND vẫn chịu áp lực giảm do USD mạnh trên thị trường quốc tế khi mà thế giới bất ổn.
Hôm 25/10, Vietcombank niêm yết ở mức 24.300 - 24.730 VND/USD (mua vào - bán ra). Trong tuần vừa qua, giá đồng USD tại ngân hàng tăng 85 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra.
So với cuối tháng 9, tỷ giá USD/VND tại Vietcombank đã tăng 1,1%, qua đó gây áp lực lên chính sách tiền tệ cũng như nỗ lực chống lạm phát của Ngân hàng Nhà nước và các giải pháp kích thích kinh tế tăng trưởng nhanh trở lại của Chính phủ.
Tỷ giá USD/VND tiếp tục tăng cho dù trong hơn một tháng qua, NHNN đã có động thái can thiệp vào thanh khoản của thị trường liên ngân hàng thông qua hoạt động phát hành tín phiếu kỳ hạn 28 ngày.
Tổng cộng kể từ ngày 21/9 cho tới 24/10, NHNN đã hút về hơn 263.000 tỷ đồng, trong khi đó có gần 30.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Tổng lượng tiền hút ròng là 233.000 tỷ đồng.
Mặc dù tỷ giá USD/VND trên hệ thống ngân hàng vẫn có xu hướng tăng nhưng áp lực lên đồng VND đã giảm bớt. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã tăng trở lại, từ vùng thấp kỷ lục 0,35%/năm hôm 13/10 lên mức 1,47%/năm trong phiên 20/10.
Lãi suất 3 tháng cũng lên mức 3,5%/năm, gần tiệm cận dần với mức lãi suất huy động thị trường 1. Từ đó, chênh lệch lãi suất tiền gửi VND và USD thu hẹp đáng kể.
Theo Chứng khoán ACB, trong thời gian qua, tỷ giá USD tăng chủ yếu đến từ tình trạng chênh lệch lãi suất USD và VND kéo dài từ tháng 5/2023 và sự tăng giá của chỉ số DXY - đo lường biến động của đồng USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới.
Trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng chậm, thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng hết sức dồi dào, mặt bằng lãi suất các kỳ hạn của VND trên thị trường này thấp kỷ lục. Chênh lệch lãi suất giữa tiền gửi USD và tiền gửi VND trên thị trường liên ngân hàng duy trì ở mức 3,0-3,5% trong một thời gian dài, theo chiều hướng có lợi cho USD. Từ đó, toàn bộ hệ thống ngân hàng có động lực giữ trạng thái mua ròng đối với USD. Điều này góp phần đẩy tỷ giá USD/VND tăng lên.
Trong khi đó, chỉ số DXY cũng đã tăng mạnh, từ mức 99 điểm hồi giữa tháng 7 lên mức 106,35 điểm hiện tại.
Lợi tức trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng vọt, hôm 23/10 lên đỉnh 16 năm, ở mức trên 5%/năm. Diễn biến này cho thấy thị trường kỳ vọng rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ duy trì mức lãi suất cao và chính phủ tiếp tục bán trái phiếu để giải quyết tình trạng thâm hụt ngày càng lớn.
Xác lập điểm cân bằng mới
Có thể thấy, sau động thái chủ động hút tiền về của NHNN, thị trường ngoại hối đã tương đối ổn định trở lại. Tỷ giá USD/VND cho dù vẫn tiếp tục nhích lên nhưng áp lực đối với đồng nội tệ không còn lớn.
Sau hơn 1 tháng phát hành tín phiếu 28 ngày nhằm hút bớt lượng tiền VND dư thừa trên thị trường liên ngân hàng về, lãi suất đồng VND đã bắt đầu tiệm cận lãi suất huy động tiết kiệm kỳ hạn 1-3 tháng trên thị trường 1.
Nhưng nếu mức lãi suất này tăng thêm nữa, và duy trì một thời gian, sẽ có thể thúc đẩy các ngân hàng quay trở lại tăng lãi suất huy động tiết kiệm, từ đó tạo ra hiệu ứng domino trên hệ thống. Trong khi đó, tỷ giá đã tăng mạnh trong thời gian qua (+1,12%) và chỉ còn cách đỉnh 24.888 năm 2022 không xa.
Theo Chứng khoán ACB (ACBS), bất kỳ một sự biến động tăng nào của lãi suất hoặc tỷ giá trong những ngày tới, cũng có thể dẫn tới việc NHNN sẽ áp dụng thêm các chính sách mới nhằm đạt được mục tiêu ổn định và cân bằng.
Dù vậy, công ty chứng khoán này cho rằng, NHNN vẫn còn đủ các công cụ để duy trì tình trạng ổn định của tỷ giá và lãi suất. Đó là nguồn cung ngoại tệ tương đối dồi dào từ các hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) và kiều hối. Trong khi đó, áp lực trả nợ nước ngoài không tăng đột biến.
Cụ thể, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2023, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa thặng dư 21,6 tỷ USD; dịch vụ thâm hụt 6,7 tỷ USD; vốn FDI giải ngân 15,9 tỷ USD; lượng kiều hối 9-10 tỷ USD.
Cũng theo ACBS, thị trường đang ở một điểm cân bằng mới, dù còn khá mong manh.
Chứng khoán Agriseco cho rằng, tỷ giá sẽ gặp áp lực tăng thời gian tới khi Fed dự báo tăng lãi suất vào tháng 11 trong lúc Việt Nam duy trì lãi suất thấp.
Chứng khoán VCBS dự báo, sức mạnh đồng USD được duy trì ở mức cao ít nhất tới tháng 11 và áp lực lên tỷ giá vẫn thường trực.
Theo Agriseco, NHNN có thể sẽ phải sử dụng thêm các biện pháp để điều tiết tỷ giá.
Trong ngắn hạn, ACBS nhận định, NHNN có thể sẽ đưa ra 2 giải pháp. Đó là để số dư tín phiếu đáo hạn và dòng tiền quay trở lại thị trường liên ngân hàng. Từ đó, thanh khoản và lãi suất thị trường liên ngân hàng hạ nhiệt. Nhưng mục đích cuối cùng là làm sao để lãi suất liên ngân hàng ở mức cao, gần với mức lãi suất huy động thị trường 1 các kỳ hạn 1-3 tháng, và không tạo ra cuộc đua tăng lãi suất trên thị trường 1.
Trong trường hợp công cụ điều tiết thanh khoản thông qua tín phiếu không phát huy tác dụng, tỷ giá vẫn tăng nóng, và lãi suất vẫn ở mức cao, NHNN có thể xem xét sử dụng phương án bán kỳ hạn USD kỳ hạn 3-6 tháng và cho phép các ngân hàng hủy ngang.
Các giải pháp trên đây có thể linh hoạt phối hợp và sẽ phụ thuộc nhiều vào tốc độ tăng trưởng tín dụng của hệ thống cũng như cung cầu USD trong quý IV này. Trong trường hợp tăng trưởng tín dụng có thể bứt phá lên vào quý cuối năm, ACBS cho rằng, NHNN thậm chí có thể xem xét tới việc bổ sung thanh khoản thông qua kênh thị trường mở.