Ngân hàng Nhà nước nói gì về các gói hỗ trợ và tái cơ cấu nhà băng yếu kém?

02-06-2023 11:16|LÊ MỸ

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, gói hỗ trợ lãi suất 2% đã chuyển nguồn và đồng thời NHNN đã trình Chính phủ để kiến nghị Quốc hội sửa đổi Nghị quyết 43.

Việc tiếp cận tín dụng và tiếp cận các gói hỗ trợ, ưu đãi lãi suất khó khăn luôn là vấn đề nóng trong quan hệ kết nối ngân hàng - doanh nghiệp thời gian qua và vẫn đang diễn ra hiện nay.

gd.jpg
"Không có lý do gì để TCTD huy động tiền gửi, trả lãi cho người gửi tiền mà khi doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn lại không cho vay", Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết. (Ảnh minh họa)

Nhiều doanh nghiệp phải cải thiện điều kiện vay vốn

Theo đó, bên cạnh hấp thu tín dụng thấp, do nhu cầu vốn không cao trong bối cảnh doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn về đơn hàng, chỉ số PMI giảm mạnh; thì ngay cả với các doanh nghiệp có nhu cầu vốn để đảm bảo duy trì dòng tiền, thanh toán, giữ sản xuất kinh doanh... việc tiếp cận tín dụng cũng không dễ khi các tổ chức tín dụng phải đảm bảo chuẩn tín dụng, chất lượng cho vay. 

Thông tin về tiếp cận tín dụng tại Nghị trường Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, vấn đề này cần phải được mổ xẻ, phân tích nguyên nhân mới có giải pháp đúng.

Về cơ chế, theo Thống đốc, chính sách cho vay hiện giữ nguyên, không có gì thay đổi. Năm 2022, tăng trưởng tín dụng 14,16%, 5 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng khoảng 3%, nhưng không thể nói là do chính sách vì chính sách cho vay không có gì thay đổi. "Về phía các TCTD thì dư địa tín dụng thoải mái, thanh khoản hệ thống được NHNN duy trì dư thừa. Không có lý do gì để TCTD huy động tiền gửi, trả lãi cho người gửi tiền mà khi doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn lại không cho vay", người đứng đầu ngành ngân hàng khẳng định.

"Từ phía doanh nghiệp, chúng tôi thấy có một số nhóm doanh nghiệp như sau: một số doanh nghiệp không có đầu ra, không có đơn hàng, thì giải pháp phải tháo gỡ khó khăn đầu ra. Vừa rồi Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo quyết liệt để xúc tiến thương mại, tuy nhiên cũng cần phải có thời gian. Doanh nghiệp cũng như các cơ quan cần hướng đến khai thác thị trường nội địa với 100 triệu dân để thay thế cho sự suy giảm của cầu nước ngoài. Còn đối với DNVVN có thể nói rất khó khăn sau đại dịch Covid-19, không đủ điều kiện vay vốn, không tiếp cận được vốn ngân hàng, nhóm doanh nghiệp này cần phải có giải pháp cải thiện điều kiện vay vốn có thể thông qua các chính sách như bảo lãnh vay vốn cho DNVVN", Thống đốc nêu.

Gỡ vướng pháp lý, kích thích tín dụng bất động sản

Thông tin thêm về tín dụng bất động sản, Thống đốc cho hay tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản cao hơn so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, thế nhưng với những khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay thì 70% là các khó khăn về pháp lý, nên giải pháp hiện nay là phải tập trung vào tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý, cộng với các doanh nghiệp cần phải rà soát để điều chỉnh giá bất động sản, thì như vậy sẽ kích thích tín dụng cho cả doanh nghiệp xây dựng bất động sản cũng như là người mua nhà.

Trước đó, NHNN cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2023, tín dụng bất động sản tăng tới 9,78%, trong khi tín dụng chung của nền kinh tế tăng 3,24%. Ngay cả như vậy, nhiều doanh nghiệp cho biết tiếp cận vốn cho lĩnh vực bất động sản vẫn rất khó khăn. 

Lãnh đạo NHNN trước đó cũng khẳng định, việc cấp tín dụng cho các doanh nghiệp, dự án bất động sản hoàn toàn do các tổ chức tín dụng quyết định trên cơ sở thỏa thuận với khách hàng. Tuy nhiên, với đặc thù tín dụng bất động sản thường có kỳ hạn dài, số tiền lớn nên khi cấp tín dụng, các tổ chức tín dụng phải cân đối trên cơ sở thực tế huy động vốn và cân đối sử dụng vốn để đảm bảo cấp tín dụng nhưng vẫn đảm bảo thanh khoản, sẵn sàng chi trả cho người gửi tiền. Với tính chất dài hạn, nguồn vốn cho doanh nghiệp, dự án kinh doanh bất động sản ngoài vốn tín dụng, cần tăng cường huy động từ các nguồn vốn khác như FDI, trái phiếu doanh nghiệp. Đây là những vấn đề Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đang tập trung chỉ đạo để phát triển lành mạnh, bền vững.

"Về phía NHNN, trong những tháng đầu năm, khi điều kiện thuận lợi và cầu tín dụng thấp, chúng tôi cũng đã điều hành để duy trì thanh khoản dồi dào; điều chỉnh giảm lãi suất điều hành; ban hành Thông tư cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ; chỉ đạo các TCTD phải rà soát giảm thủ tục hành chính cũng như là cho vay căn cứ trên cơ sở phương án khả thi và có khả năng trả nợ, cũng không nhất thiết là phải có tài sản đảm bảo. Đối với NHNN thì năm nay cũng là năm thứ 7 đứng đầu trong hệ thống xếp hạng chỉ số PAR INDEX của các bộ ngành, đây là những giải pháp hướng đến cải thiện tiếp cận tín dụng", Tư lệnh ngành ngân hàng khẳng định.

2 gói hỗ trợ lãi suất 2% và gói 120.000 tỷ đồng

Về gói hỗ trợ lãi suất 2%, phát biểu tại Nghị trường, Thống đốc khẳng định đây là chính sách mà Chính phủ, các Bộ ngành dành nhiều thời gian triển khai gói này. Tuy nhiên, kết quả triển khai đạt thấp do tâm lý e ngại của doanh nghiệp và TCTD khó có thể đánh giá thế nào là “có khả năng phục hồi”. Trước tình hình đó, Chính phủ đã trình Quốc hội chuyển nguồn này, khoảng 24.000 tỷ đồng cho giảm thuế VAT. Hiện nay, NHNN đang trình Chính phủ để kiến nghị Quốc hội sửa đổi Nghị quyết 43, bỏ cụm từ “có khả năng phục hồi” để tiếp tục triển khai gói hỗ trợ này.

Với gói 120.000 tỷ đồng, - gói tín dụng do 4 NHTM Nhà nước tự nguyện tham gia, để thực hiện mục tiêu 1 triệu căn hộ cho công nhân, người có thu nhập thấp, NHNNN nhấn mạnh "đây là chương trình đến năm 2030 chứ không phải chỉ giải quyết trong năm 2022 và 2023". Nguồn vốn do chính các ngân hàng huy động, lãi suất giảm từ 1,5%-2% từ chính nguồn lực tài chính của các NHTM. Điều này thể hiện sự tự nguyện, tinh thần trách nhiệm của 4 NHTM này. NHNN chỉ hướng dẫn về lãi suất cũng như là lãi suất áp dụng trong thời gian ưu đãi để triển khai thống nhất.

"Hiện nay, Bộ Xây dựng đã có hướng dẫn và uỷ quyền cho các địa phương để công bố các danh mục dự án. Nhu cầu về nhà ở xã hội và nhà ở công nhân thì cao, nhưng nhu cầu vay lại là vấn đề, bởi vì quyết định vay để mua một căn nhà phải do người dân. Đặc biệt trong Luật nhà ở hiện nay đang trình Quốc hội trong kỳ này đã có điểm cho phép doanh nghiệp mua nhà để bố trí nhà ở cho công nhân, đây là điểm tích cực để gói này tăng dư nợ giải ngân", Thống đốc bày tỏ.

Liên quan đến việc tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, là việc rất khó xử lý. "Tái cơ cấu một ngân hàng yếu kém trong điều kiện bình thường đã rất khó rồi, trong điều kiện khó khăn thế này lại càng khó hơn. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt thực hiện. Ngay từ khi nhận nhiệm vụ, Thủ tướng Chính phủ đã họp với ngành Ngân hàng và yêu cầu tiến hành quyết liệt các giải pháp để tái cơ cấu".

cb.jpg
Tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém đã được NHNN quyết liệt thực hiện. Một số NHTM lớn đã có các kỳ họp ĐHĐCĐ lấy ý kiến để nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém, tham gia tái cơ cấu từng bước theo quy định. Ảnh minh họa: CB

Theo Thống đốc, đến nay, các ngân hàng yếu kém đã trình xin chủ trương các cấp có thẩm quyền. NHNN cùng các bộ, ngành dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đang thực hiện quyết liệt các bước trước khi phê duyệt Đề án chi tiết theo đúng chủ trương của cấp có thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật.

Hàng loạt nhà băng giảm lãi suất huy động sau động thái mới từ Ngân hàng Nhà nước

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ lãi suất điều hành

Doanh nghiệp than lãi vay quá cao - khó khăn đủ bề, Ngân hàng Nhà nước lên tiếng lý giải

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/ngan-hang-nha-nuoc-noi-gi-ve-cac-goi-ho-tro-va-tai-co-cau-nha-bang-yeu-kem-245057.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Ngân hàng Nhà nước nói gì về các gói hỗ trợ và tái cơ cấu nhà băng yếu kém?
POWERED BY ONECMS & INTECH