Theo nhận định của giới chuyên gia, mặc dù áp lực lạm phát là rất lớn song Việt Nam vẫn có nhiều dư địa để kiểm soát.
Áp lực lạm phát gia tăng
Theo Tổng cục Thống kê, bước sang năm 2022, nếu dịch COVID-19 được kiểm soát, nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tăng lên, lạm phát sẽ chịu tác động của vấn đề tăng giá nguyên, nhiên, vật liệu trên thế giới như xăng dầu, than và giá cước vận chuyển. Việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước lên cao, tạo áp lực cho lạm phát.
Bên cạnh đó, Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng nêu rõ, trong năm 2022, bên cạnh tác động từ thị trường thế giới, áp lực tăng giá trong nước còn đến từ việc tiếp tục điều chỉnh giá một số dịch vụ công theo lộ trình thị trường, một số mặt hàng có yếu tố chi phí đầu vào tăng. Biến động của giá nhiên liệu như xăng dầu, LPG trên thị trường thế giới ở mức cao.
Hiện các nền kinh tế mới nổi đều đang phải đối mặt với những “biến số” có khả năng đẩy lạm phát lên cao là căng thẳng Nga – Ukraine và việc các nền kinh tế lớn thực hiện tăng lãi suất để ứng phó với lạm phát.
Cụ thể, hôm nay (7/3), giá dầu Brent vừa có một phiên tăng vọt và vượt mốc 130 USD/thùng. Chiến sự giữa Nga và Ukraine đã đã đẩy thị trường năng lượng rơi vào hỗn loạn, có nguy cơ gây ra hậu quả kinh tế nghiêm trọng hơn so với cú sốc dầu mỏ trong quá khứ. Đà tăng của dầu thế giới có thể đẩy lạm phát tại Việt Nam tăng mạnh trong thời gian tới.
Trong tuần này, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ có phiên họp chính sách, tuy nhiên khả năng tăng lãi suất của ECB vẫn chưa rõ ràng. Trong khi đó, trong phiên họp chính sách sách giữa tháng này, khả năng tăng lãi suất 0,25% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã gần như chắc chắn. Tuy vậy, bên cạnh tăng lãi suất, Fed có thể sẽ thu hẹp thêm bảng cân đối tài sản, đồng nghĩa với việc thắt chặt thêm chính sách tiền tệ để đối phó với lạm phát.
Ngân hàng Nhà nước có tăng lãi suất?
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, giá dầu và giá hàng hóa trên thế giới tăng mạnh sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới Việt Nam. Nếu Chính phủ không có các biện pháp để ổn định giá các mặt hàng thiết yếu, thì lạm phát sẽ gia tăng, khiến việc phục hồi kinh tế gặp khó khăn. Vì vậy, ông Lực cho rằng, điều quan trọng nhất là phải chuẩn bị nguồn cung, tránh hiện tượng khan hiếm giả, kiểm soát lạm phát và thực hiện ngay các gói hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.
Như vậy, có thể thấy áp lực lạm phát đang gia tăng, tạo áp lực lên Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành chính sách tiền tệ.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước sẽ phù hợp với xu hướng của nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ cần có những đặc điểm riêng phù hợp với tình hình trong nước.
"Với đặc thù thị trường tài chính phụ thuộc nhiều vào hệ thống ngân hàng, việc điều chỉnh tín dụng được Ngân hàng Nhà nước điều hành có sự hài hòa, hợp lý. Việc tăng trưởng tín dụng quá cao gây rủi ro lạm phát, song tăng trưởng tín dụng quá thấp lại có thể ảnh hưởng đến nguồn vốn cho tăng trưởng cho nền kinh tế và doanh nghiệp. Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% và lạm phát khoảng 4% do Quốc hội và Chính phủ đề ra, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 12% trong năm 2021, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến tình hình thực tế", Phó Thống đốc cho biết.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhận định, mặc dù áp lực lạm phát là rất lớn, song Việt Nam vẫn có nhiều dư địa để kiểm soát.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường thuộc Khối Phân tích của CTCP Chứng khoán VnDirect cho rằng, lạm phát trên thế giới đang phân hóa mạnh mẽ. Theo đó, trong khi Mỹ, Anh và một số nước EU đang phải đối mặt với lạm phát cao, thì một số nước châu Á như Việt Nam, Trung Quốc đang kiểm soát lạm phát khá tốt.
Bình quân 2 tháng đầu năm nay, CPI cả nước chỉ tăng 1,68% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ông Hinh, lạm phát ở Việt Nam năm nay chỉ khoảng 3,5% và Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện các giải pháp nới lỏng tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế.
Với chính sách tiền tệ, ảnh hưởng rõ nhất của lạm phát toàn cầu là lạm phát trong nước cũng đang tăng lên. Dù vậy, theo nhận định của giới phân tích, NHNN sẽ không tăng lãi suất cơ bản đồng thời có nhiều biện pháp để hỗ trợ thanh khoản hệ thống. Vì vậy, lãi suất cho vay nếu tăng cũng chỉ tăng xung quanh 1%.
Điều 'chưa từng có tiền lệ' trong chuyển giao bắt buộc ngân hàng 0 đồng
Thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng ấn tượng, đặt mục tiêu vượt mức 25 tỷ USD