Bất ngờ: Công ty tài chính lãi kỷ lục sau một năm toàn lỗ
Lợi nhuận quý II của VietCredit đạt mức cao nhất lịch sử, đánh dấu cú lội ngược dòng ngoạn mục sau năm 2024 thua lỗ gần 156 tỷ đồng.
Từ khoản lỗ lớn trong quý II/2024, Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (VietCredit, mã: TIN) đã có cú lội ngược dòng ngoạn mục khi ghi nhận lợi nhuận trước thuế cao nhất lịch sử hoạt động trong quý II/2025, đạt hơn 241 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính quý II, thu nhập lãi thuần của VietCredit tăng mạnh 281% so với cùng kỳ, lên 640,6 tỷ đồng. Kết quả này đến từ quá trình tái cấu trúc mô hình kinh doanh, chuyển trọng tâm sang mảng cho vay số hóa (Digital Lending), với dư nợ cho vay số đạt gần 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng dư nợ cho vay tại thời điểm 30/6/2025 là hơn 6.497 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ 3% so với đầu năm.
Nhờ đà tăng thu nhập và siết chặt chi phí, lợi nhuận quý II của VietCredit ghi nhận mức cao nhất từ trước đến nay.
Dù vậy, hoạt động dịch vụ tiếp tục là điểm trừ, lỗ tới 126 tỷ đồng trong quý. VietCredit lý giải nguyên nhân do tạm dừng bán mới thẻ tín dụng qua kênh truyền thống, chuyển sang phân phối online trong khi chi phí thu hộ và vận hành mảng cho vay số tăng cao.
Chi phí hoạt động trong kỳ giảm 16% còn gần 94 tỷ đồng, nhờ tinh gọn bộ máy theo mô hình vận hành số. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng giảm 20% còn 153 tỷ đồng, phần lớn do nợ nhóm 4 và 5 có dấu hiệu cải thiện.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty đạt lợi nhuận trước thuế 318 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2024 lỗ tới 185 tỷ đồng. Tổng thu nhập lãi thuần nửa đầu năm đạt 1.052 tỷ đồng, gấp 2,8 lần cùng kỳ, trong khi chi phí hoạt động và dự phòng rủi ro lần lượt giảm 27% và 16%. Mặc dù lỗ hoạt động dịch vụ vẫn lên tới 202 tỷ đồng, phần lãi từ mảng tín dụng đã giúp bức tranh lợi nhuận đảo chiều rõ rệt.
So với kế hoạch lợi nhuận trước thuế 300 tỷ đồng trong năm 2025, đây là mức hoàn thành vượt 5% chỉ sau nửa năm. Cần nhấn mạnh, kế hoạch này đã được nâng lên mức cao nhất kể từ khi VietCredit thành lập, sau năm 2024 ghi nhận lỗ gần 156 tỷ đồng.
![]() |
Tại ngày 30/6/2025, tổng tài sản của công ty đạt 9.535 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác tăng vọt 82% lên hơn 2.664 tỷ đồng. Nguồn vốn chủ yếu đến từ tiền gửi khách hàng (2.128 tỷ đồng, gấp 2,3 lần đầu năm) và giấy tờ có giá phát hành (2.580 tỷ đồng, tăng 12%).
Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu (nợ nhóm 3–5) tại VietCredit vẫn duy trì ở mức cao 6,34%, gần như đi ngang so với đầu năm. Tổng dư nợ tăng nhẹ nhưng nợ xấu cũng tăng tương ứng, khiến chất lượng tín dụng chưa cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu chỉ đạt hơn 54%, cho thấy mức độ dự phòng rủi ro còn mỏng so với mặt bằng ngành.
Trong giai đoạn 2026–2030, VietCredit dự kiến lợi nhuận trước thuế tăng trưởng đều qua từng năm, từ 316 tỷ lên 363 tỷ đồng. Tuy nhiên, với nền tảng hiện tại cùng tỷ lệ nợ xấu quanh ngưỡng 6%, hành trình hiện thực hóa kế hoạch vẫn đối mặt không ít thách thức.
>> Một công ty tài chính bất ngờ đóng cửa 5 văn phòng đại diện
Một công ty tài chính bất ngờ đóng cửa 5 văn phòng đại diện
Công ty Tài chính Mirae Asset làm ăn bết bát 2 năm liên tiếp, lỗ lũy kế vượt 500 tỷ đồng