Khách hàng bỗng nhiên nhận được thẻ tín dụng Ngân hàng gửi đến và đề nghị kích hoạt thẻ trong khi không hề đăng ký trước đó. Luật sư trả lời sao về trách nhiệm của Ngân hàng trong trường hợp này?
Sau dư chấn của sự việc liên quan đến thẻ tín dụng Eximbank nợ gốc 8,5 triệu đồng bị đòi nợ 8,8 tỷ đồng sau gần 11 năm, từ khóa “thẻ tín dụng” trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết. Sự việc đã để lại một “bóng đen” với các khách hàng, khi e ngại không biết bản thân có đang đứng tên thẻ tín dụng hay mắc 1 khoản nợ thẻ tín dụng quá hạn nào không.
Chưa dừng lại ở đó, mới đây, Báo Dân Việt đã phản ánh về tình trạng 1 khách hàng (thường trú tại Huế) cho biết Ngân hàng MB tự ý mở thẻ tín dụng trong khi khách hàng không đăng ký và không có nhu cầu.
Theo nội dung phản ánh, sau khi tự sử dụng thông tin cá nhân của khách hàng để mở thẻ tín dụng, phía Ngân hàng MB liên lạc đề nghị kích hoạt thẻ trong khi không cung cấp thông tin cụ thể về quy định lãi suất, các khoản phí sử dụng thẻ...
Lo ngại rủi ro, khách hàng đề nghị phía Ngân hàng MB đóng thẻ thì ngân hàng yêu cầu phải đến tận chi nhánh để làm thủ tục.
Cho đến nay, sự việc chưa có thông tin phản hồi từ phía Ngân hàng MB. Tuy nhiên, Dân Việt đưa tin, ông Đỗ Việt Cường - Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện cơ quan đã yêu cầu Ngân hàng MB chi nhánh Thừa Thiên Huế báo cáo về vụ việc. Sau khi có báo cáo từ Ngân hàng MB chi nhánh Thừa Thiên Huế, bộ phận Thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ thực hiện các bước tiếp theo.
Đây không phải lần đầu tiên có khách hàng phản ánh về việc bị ngân hàng tự ý sử dụng thông tin cá nhân để mở thẻ tín dụng mà có sự đồng ý của khách hàng.
Hình ảnh minh họa |
Chia sẻ với chúng tôi về góc độ pháp lý của hành vi tự mở thẻ tín dụng khi chưa nhận được sự đồng ý từ khách hàng, Luật sư Vũ Đức Diệm – Trưởng bộ phận tranh tụng Công ty Luật TNHH ATIM cho biết:
Hành vi tự ý thu thập, sử dụng trái phép thông tin cá nhân là hành vi vi phạm pháp luật được và sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị Định 15/2020/NĐ-CP, cụ thể:
Điểm a, khoản 1, Điều 84, Nghị Định 15/2020 quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi “thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó”.
Khoản 2, Điều 84, Nghị định 15/2020 (sửa đổi bổ sung bởi Khoản 30, Điều 1, Nghị định 14/2022) quy định: "sử dụng không đúng mục đích thông tin cá nhân đã thỏa thuận khi thu thập hoặc khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân" thì bị phạt tiền từ 40.000.000 đến 60.000.000 đồng.
Mức phạt nêu trên áp dụng cho tổ chức. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
Nếu tổ chức là ngân hàng chỉ đạo nhân viên tự ý thực hiện việc đăng ký tài khoản, mở thẻ ngân hàng cho các cá nhân thì ngân hàng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính nêu trên. Còn trong trường hợp nhân viên ngân hàng tự ý thu thập, sử dụng thông tin của người khác để đăng ký tài khoản, mở thẻ ngân hàng nhằm đáp ứng đủ chỉ tiêu của ngân hàng mà không có sự chỉ đạo của lãnh đạo ngân hàng thì nhân viên đó phải tự chịu trách nhiệm đối với hành vi của mình.
Ngoài ra, Luật sư Vũ Đức Diệm cũng cho biết thêm, các biện pháp khắc phục hậu quả là buộc hủy bỏ thông tin cá nhân do thực hiện hành vi vi phạm. Ngân hàng có trách nhiệm hủy việc đăng ký tài khoản, đóng thẻ ngân hàng khi khách hàng xác định không có nhu cầu đăng ký, mở thẻ ngân hàng. Việc hủy thẻ ngân hàng cần phải được thực hiện một cách nhanh gọn mà không cần yêu cầu người dân đến ngân hàng, bởi lẽ, ngay từ ban đầu, khách hàng đã không có yêu cầu mở thẻ, tức là không có thỏa thuận nào giữa khách hàng và ngân hàng.