Tài chính Ngân hàng

Ngành bảo hiểm: Tỷ lệ huỷ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ sau 1 năm lên đến 20-30%

Hoàng Hiếu 18/06/2024 - 06:25

Năm 2023 đánh dấu một năm sóng gió và “rất khó quên” đối với ngành bảo hiểm.

Trong năm 2023, kinh tế vĩ mô toàn cầu và trong nước vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Một năm mà ngành Bảo hiểm phải chịu tác động kép từ cả các yếu tố khách quan, lẫn nội tại.

Theo số liệu từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm giảm 8,3% so với năm trước. Doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ ghi nhận sự sụt giảm đáng kể lên tới 12,5%; lĩnh vực phi nhân thọ chịu ảnh hưởng nặng nề từ thị trường bảo hiểm nhân thọ nên ghi nhận mức độ tăng trưởng khiêm tốn 2,4%.

Đây là năm đầu tiên trong 20 năm lịch sử phát triển của ngành bảo hiểm nhân thọ ghi nhận tăng trưởng âm.

Ngành bảo hiểm: Tỷ lệ huỷ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ sau 1 năm lên đến 20-30%
Tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm giai đoạn 2016 - 2023, nguồn: Vietnam Report

Bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng âm 12,5%

Theo kết quả tổng hợp của Vietnam Report, năm 2023, số lượng hợp đồng khai thác mới của lĩnh vực nhân thọ đạt 1.915.623 hợp đồng (sản phẩm chính), giảm 43,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường năm 2023 cũng ghi nhận sự suy giảm 44,5% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 28.179 tỷ đồng. Thêm vào đó, tỷ lệ hủy hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trung bình ở thị trường Việt Nam sau năm thứ nhất khá cao, được ước tính vào khoảng 20-30%.

Trong khi đó tỷ lệ bồi thường tăng 35,7% so với cùng kỳ năm 2022 với số tiền chi trả ước khoảng 57.070 tỷ đồng. Số lượng hợp đồng có hiệu lực cuối kỳ (sản phẩm chính) là 12.441.381 hợp đồng, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo kết quả tổng hợp của Vietnam Report, doanh thu cung cấp dịch vụ bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ vẫn duy trì ở mức như năm 2022 (51,5 nghìn tỷ đồng) với lợi nhuận sau thuế duy trì tăng trưởng mạnh ở mức 59,3% so với năm 2022.

Các nghiệp vụ có tỷ lệ tăng doanh thu cao so với năm 2022 lần lượt là: Bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính, tăng 11,5%; bảo hiểm tài sản thiệt hại, tăng 11,1%; bảo hiểm tàu, tăng 5,9%; bảo hiểm nông nghiệp, tăng 0,7%; bảo hiểm sức khỏe, tăng 0,3%.

Năm 2023, tổng số tiền bồi thường bảo hiểm gốc khoảng 23.906 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 33,6%… Những nghiệp vụ bảo hiểm có tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc cao là: bảo hiểm xe cơ giới (52,5%), bảo hiểm sức khỏe (34,6%), bảo hiểm tàu (35,7%).

Kỳ vọng đi lên từ đáy

Chính phủ đặt ra 2 mục tiêu lớn có liên quan đến sự phát triển của thị trường bảo hiểm năm 2024: Đầu tiên, mục tiêu 15% dân số sẽ tham gia mua bảo hiểm nhân thọ vào năm 2025 (so với năm 2023 chỉ đạt 12%); thứ hai, tỷ lệ thâm nhập của tổng doanh thu phí bảo hiểm (GWM) nhân thọ và phi nhân thọ được kỳ vọng sẽ đạt 3,5% GDP vào năm 2025.

Năm 2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá có những tín hiệu phục hồi khả quan, dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5%, đây cũng là kỳ vọng của 31,8% doanh nghiệp tham gia trả lời khảo sát của Vietnam Report.

Ngành bảo hiểm: Năm 2023 tăng trưởng âm 8,3%, triển vọng tương lai ra sao?
Khảo sát doanh nghiệp bảo hiểm trong giai đoạn tháng 5-6/2024, nguồn: Vietnam Report

Theo thông tin từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, ngành bảo hiểm Việt Nam đang hướng tới một năm đầy triển vọng với những mục tiêu tài chính đáng chú ý. Dự kiến năm 2024, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 163.785 tỷ đồng tăng 5% so với năm trước.

Vietnam Report chỉ ra 3 cơ hội cho sự tăng trưởng của ngành năm 2024, bao gồm về công nghệ phát triển mạnh mẽ và áp dụng trong tất cả các giai đoạn của chuỗi giá trị ngành Bảo hiểm; tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm/GDP thấp và Thông tư hướng dẫn chi tiết Luật Kinh doanh bảo hiểm 2023 đã chính thức được ban hành.

Theo Vietnam Report, tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm/GDP tại Việt Nam hiện nay dao động ở mức 2,3-2,8%, thấp hơn so với mức trung bình 3,35% của khối ASEAN, 5,37% của châu Á và 6,3% của thế giới. Điều này cho thấy thị trường bảo hiểm tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển và mở rộng.

Đồng thời, sự phát triển của công nghệ thông tin và các nền tảng số đang góp phần quan trọng trong việc nâng cao tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các sản phẩm bảo hiểm một cách dễ dàng và thuận tiện hơn.

Bên cạnh đó, Thông tư số 67/2023/TT-BTC còn thúc đẩy việc áp dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, như việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm trên internet, triển khai các dịch vụ số hóa, giúp rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường.

Với những điểm nổi bật và cải tiến quan trọng, Thông tư này được kỳ vọng sẽ tạo ra những động lực mới, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của thị trường bảo hiểm Việt Nam trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

>>PVI bất ngờ bứt phá, lên No.1 trong top 10 công ty bảo hiểm phi nhân thọ uy tín năm 2024

PVI bất ngờ bứt phá, lên No.1 trong top 10 công ty bảo hiểm phi nhân thọ uy tín năm 2024

Một doanh nghiệp 7 năm liên tiếp dẫn đầu top 10 'Công ty bảo hiểm nhân thọ uy tín'

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nganh-bao-hiem-ty-le-huy-hop-dong-bao-hiem-nhan-tho-sau-1-nam-len-den-20-30-238974.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Ngành bảo hiểm: Tỷ lệ huỷ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ sau 1 năm lên đến 20-30%
    POWERED BY ONECMS & INTECH