Doanh nghiệp

Ngành chăn nuôi nửa đầu năm: Kết quả kinh doanh trái chiều, cổ phiếu vẫn “bứt phá”

Yên Hoàng 14/08/2023 06:33

Việc giá heo hơi trong nước có dấu hiệu khởi sắc trở lại đã giúp nhóm cổ phiếu doanh nghiệp chăn nuôi trên sàn chứng khoán bứt phá mạnh.

Theo thông tin từ Anova Feed, giá heo đang dao động trung bình quanh mức 59-60.000vnđ/kg.

Với mức giá này, giá heo hiện đã hồi phục được 23% so với mức đáy thiết lập hồi cuối tháng 3/2023. Thông tin Vaccine dịch tả lợn châu Phi chính thức được sử dụng trên cả nước cùng với việc giá heo hồi phục đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp chăn nuôi có triển vọng kinh doanh tốt hơn trong nửa cuối năm 2023.

Trong nửa đầu năm, giá heo bất lợi khiến cho kết quả kinh doanh của doanh nghiệp chăn nuôi heo trên sàn không mấy khả quan.

Các doanh nghiệp đều báo kết quả trái ngược nửa đầu năm

Nhìn vào kết quả ngành chăn nuôi 6 tháng đầu năm 2023, có doanh nghiệp ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sụt giảm. Trong số những doanh nghiệp chăn nuôi, Masan MEATLife (mã chứng khoán MML) là doanh nghiệp có tỷ lệ tăng trưởng doanh thu cao nhất với mức tăng 70%, tiếp đến là mảng chăn nuôi của HAG, DBC ...

Ngành chăn nuôi nửa đầu năm: Kết quả kinh doanh trái chiều, cổ phiếu vẫn “bứt phá”

Tiếp nổi sự tăng trưởng về mặt doanh thu, MML dẫn đầu về tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận gộp với mức tăng gấp hơn 3 lần cùng kỳ, xếp sau đó là Dabaco.

Ngược lại, cũng có những doanh nghiệp báo lợi nhuận gộp 6 tháng đầu năm giảm sút như BAF, mảng bán heo của HAG, thậm chí có những doanh nghiệp báo lỗ như mảng nông nghiệp (bao gồm chăn nuôi) của HPG.

Ngành chăn nuôi nửa đầu năm: Kết quả kinh doanh trái chiều, cổ phiếu vẫn “bứt phá”

Cụ thể, CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (BAF) trong 6 tháng đầu năm đã ghi nhận doanh thu nông sản giảm 21%, doanh thu chăn nuôi giảm 5% và lần đầu phát sinh doanh thu bán bất động sản đầu tư với gần 24 tỷ đồng. Mặc dù vậy, tổng doanh thu vẫn giảm 17% so với 6 tháng đầu năm 2022, ghi nhận 2.455 tỷ đồng.

Về hoạt động tài chính, doanh thu tăng đột biến nhờ khoản lãi chuyển nhượng hơn 14 tỷ đồng. Công ty cũng tăng mạnh lãi tiền gửi và cho vay lên hơn 8 tỷ (cùng kỳ chỉ vào khoảng 512 triệu đồng). Dù vậy, chi phí lãi vay tăng đột biến lên gần 68 tỷ do dư nợ vay tăng (trong đó khoảng chuyển đổi từ trái phiếu sang chiếm hơn 450,5 tỷ đồng).

Kết quả, lãi sau thuế Công ty đạt 16 tỷ đồng sau nửa đầu năm 2023, giảm đến 88% so với nửa đầu năm ngoái.

Ngành chăn nuôi nửa đầu năm: Kết quả kinh doanh trái chiều, cổ phiếu vẫn “bứt phá”

CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HAG) đạt 3.147 tỷ đồng doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 - tăng 55% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu mảng chăn nuôi heo đạt khoảng 1.007 tỷ - tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ.

Dù doanh thu tăng trưởng đáng kể nhưng do gánh nặng các khoản chi phí, HAGL báo lãi ròng 404 tỷ đồng – giảm 24% so với nửa đầu năm ngoái (quý 2 năm ngoái HAGL có ghi nhận hoàn nhập dự phòng với 992 tỷ đồng).

Ở diễn biến khác, doanh thu Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) tăng mạnh. Dabaco cũng ghi nhận doanh thu từ mảng bất động sản. Cụ thể, doanh thu thuần DBC quý 2 đạt 3.473 tỷ đồng, tăng 17% chủ yếu nhờ ghi nhận doanh thu dự án chung cư cao cấp Packview tại Tp. Bắc Ninh. Như vậy, sau 2 quý lỗ lớn, Dabaco đã có sự bứt phá mạnh mẽ, báo lãi quý 2/2023 tăng vọt gấp 23 lần cùng kỳ lên 327 tỷ đồng.

Lũy kế từ đầu năm tới nay, Dabaco lãi sau thuế 6 tỷ đồng, chỉ bằng ¼ số lãi ghi nhận cùng kỳ năm trước nhưng đã kịp giúp doanh nghiệp bù hết số lỗ quý 1.

Ngành chăn nuôi nửa đầu năm: Kết quả kinh doanh trái chiều, cổ phiếu vẫn “bứt phá”

Với Masan MeatLife (mã chứng khoán MML), lũy kế 6 tháng, doanh thu công ty tăng hơn 70% lên hơn 3.303 tỷ đồng. Nguyên nhân doanh thu tăng cao do từ cuối năm trước, MML đã có thêm doanh thu từ CTCP Masan Jinju (MSJ) - hoạt động chính của MSJ là sản xuất xúc xích tiệt trùng, chế biến và đóng gói thịt hộp. Do gánh nặng chi phí tăng cao, MML báo lỗ sau thuế 348 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi 33 tỷ. Lỗ luỹ kế tính đến ngày 30/6 là 259 tỷ đồng.

Ngành chăn nuôi nửa đầu năm: Kết quả kinh doanh trái chiều, cổ phiếu vẫn “bứt phá”

Doanh thu mảng nông nghiệp (bao gồm chăn nuôi) trong quý 2/2023 của Tập đoàn Hoà Phát (HPG) giảm 13% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 64 tỷ – giảm hơn 41%. Dù vậy, con số này đã cải thiện đáng kể so với khoản lỗ 109 tỷ đồng trong quý 1/2023.

Mặc dù doanh thu giảm nhưng điểm tích cực là Hòa Phát đã có lại trở lại 54 tỷ đồng, sau 2 quý thua lỗ trước đó. Hồi quý 1/2023, mảng nông nghiệp của HPG lỗ lớn nhất kể từ khi bắt đầu hoạt động với 117 tỷ đồng, cũng là quý lỗ thứ 2 liên tiếp. Hiện, bên cạnh chăn nuôi heo, HPG còn đang cung cấp trứng gà sạch vào các siêu thị.

Giá heo hơi tăng mạnh, cổ phiếu nhóm ngành chăn nuôi tăng bứt phá

Giá lợn hơi đã hồi phục mạnh trong quý 2 đặc biệt là tháng 5-6 vừa qua là cơ sở quan trọng để các doanh nghiệp chăn nuôi kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận cải thiện. Với diễn biến của tháng 7-8 thì giá thịt lợn hơi hiện vẫn đang neo vùng khá cao.

Ngoài ra phải kể đến việc xu hướng giá lợn hơi được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì tích cực trong nửa sau của năm nay do xu hướng tái đàn tại Việt Nam và Trung Quốc sau dịch tả lợn Châu Phi còn chậm, khiến nguồn cung sẽ chưa thể tăng ngay trở lại và giá lợn hơi có thể sẽ tăng tiếp hoặc ít nhất, khó lòng giảm sâu hơn nền giá hiện tại.

Giá thức ăn chăn nuôi hiện giảm sâu. Một yếu tố quan trọng nữa để kỳ vọng vào kết quả kinh doanh 6 tháng cuối năm là xu hướng giảm giá của nguyên vật liệu đầu vào như Ngô, Đậu tương, Lúa mì, …trên thị trường hàng hóa thế giới. Việc giá thức ăn chăn nuôi giảm giúp các doanh nghiệp chăn nuôi tiết giảm chi phí chăn nuôi từ đó tăng biên lãi gộp.

Dịch tả lợn Châu Phi bùng phát trong năm 2022 khiến người dân không có nhu cầu tái đàn. Cùng đó, mới đây vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi thương mại đầu tiên được cấp phép lưu hành, đặc biệt trong bối cảnh sau hơn 100 năm qua chưa có vaccine thương mại trong phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi được cấp phép trên thế giới. Kết quả đến tháng 7/2023, đã có hơn 650.000 liều vaccine dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát chất lượng đạt 100%; sử dụng an toàn theo hướng dẫn của nhà sản xuất tại hơn 40 tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước. Lợn tiêm phòng đều khỏe mạnh và sinh trưởng bình thường, tỷ lệ lợn được tiêm vaccine có đáp ứng miễn dịch sinh kháng thể cao, đạt trung bình trên 95%. Việc tiêm vaccine phòng bệnh giúp các doanh nghiệp chăn nuôi hạn chế được những rủi ro trong chăn nuôi.

Trước các thông tin tích cực, trên thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu doanh nghiệp chăn nuôi heo như: DBC, HAG, BAF, MML, và PSL cũng đã bứt phá khá mạnh so với mặt bằng chung của thị trường trong ngày 8/8, tăng từ 2% – 7%.

Đáng chú ý, cổ phiếu DBC của Tập đoàn Dabaco đã tăng “kịch trần” lên mức 27.950 đồng/cổ phiếu, tăng 85% kể từ đầu năm 2023 đến nay và đang dần chinh phục lại đỉnh cũ 1 năm trước đó, với khối lượng giao dịch lên đến 14,8 triệu cổ phiếu.

Ngành chăn nuôi nửa đầu năm: Kết quả kinh doanh trái chiều, cổ phiếu vẫn “bứt phá”

Chuỗi tăng giá của cổ phiếu Dabaco đã kéo dài 5 tháng qua, thị giá tăng 110% từ 13.3x đồng/cp.

Tập đoàn Dabaco là doanh nghiệp có mô hình sản xuất khép kín với phương pháp theo hệ thống 3F (Farm-Feed-Food). Nguồn thức ăn chăn nuôi tự chủ sản xuất để phục vụ mảng chăn nuôi của doanh nghiệp và bán ra thị trường. Quy mô sản xuất chăn nuôi của DBC lớn và cần nguồn thức ăn chăn nuôi ổn định; cho nên nguồn nguyên liệu để sản xuất thưc ăn chăn nuôi chính của DBC chủ yếu là nhập khẩu cho nên biên lợi nhuận của doanh nghiệp cũng chịu ảnh hưởng bới biến động giá hàng hóa lương thực. Cơ cấu doanh thu chính là đến từ bán thức ăn chăn nuôi và thịt lợn hơi. Mặc dù kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023, Dabaco mới đạt 6 tỷ đồng lợi nhuận trên tổng số 569 tỷ đồng mà Đại hội cổ đông giao phó, nhưng với nhiều lợi thế như trên, doanh nghiệp vẫn còn nhiều kỳ vọng để hoàn thành được mục tiêu cả năm trong thời gian còn lại.

Tương tự, cổ phiếu HAG của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cũng tăng tới 6,9%, đạt mức 9.810 đồng/cổ phiếu, với khối lượng giao dịch đạt 47,1 triệu cổ phiếu – mức cao nhất trong 1 năm trở lại đây.

Ngành chăn nuôi nửa đầu năm: Kết quả kinh doanh trái chiều, cổ phiếu vẫn “bứt phá”

Tuy nhiên trong cùng thời điểm, cổ phiếu BAF của Nông nghiệp BAF (sàn HOSE) gần như đi ngang vùng giá 23.500 - 24.000 đồng/cp trong khi MML của Masan Meatlife (sàn UPCoM) vẫn chưa thể phục hồi kể từ sau cú rơi từ vùng giá 91.x đồng hồi tháng 10/2021.

Ngành phân bón nửa đầu năm: Vì đâu doanh nghiệp bốc hơi lợi nhuận, cổ phiếu vẫn "phi"?

Bài thuộc chủ đề Kết quả kinh doanh quý 2/2023
Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nganh-chan-nuoi-nua-dau-nam-ket-qua-kinh-doanh-trai-chieu-co-phieu-van-but-pha-196364.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Ngành chăn nuôi nửa đầu năm: Kết quả kinh doanh trái chiều, cổ phiếu vẫn “bứt phá”
POWERED BY ONECMS & INTECH