Ngành học lọt top 100 thế giới, lương tính bằng USD nhưng vẫn khát nhân lực

16-11-2022 07:20|Quỳnh Hương

Do xu thế phát triển nói chung, ngành Kỹ thuật - Dầu khí luôn được xếp vào nhóm khát nhân lực dù có mức lương rất cao.

Ngành học lọt top 100 của thế giới

Năm 2022, Ngành Kỹ thuật - Dầu khí Trường Đại học Bách khoa ĐHQG - HCM đã có sự bứt phá vượt trội trên bảng xếp hạng đại học thế giới (QS World University Rankings by Subjects 2022) từ Top 101 - 150 năm 2021 lên Top 51 - 100 trong năm 2022, trong đó tiêu chí tỷ lệ trích dẫn trung bình trên bài báo và chỉ số H-index lần lượt là 82,5 và 73,2/100.

Đây là thứ hạng cao nhất không chỉ của ĐHQG - HCM mà còn đại diện cho nền giáo dục đại học Việt Nam kể từ khi tham gia bảng xếp hạng QS World University Ranking by Subject.

Để có được vị trí cao trên bảng xếp hạng các đại học thế giới, ngành Kỹ thuật - Dầu khí đã liên tục cải tiến, phát triển hoạt động đào tạo, nghiên cứu, đảm bảo chất lượng theo chuẩn kiểm định trong nước và quốc tế như: chuẩn AUN-QA năm 2022, dự kiến kiểm định ASIIN trong năm 2023.

Ngành học triển vọng nhưng vẫn khát nhân lực

Ngành Kỹ thuật - Dầu khí có ý nghĩa vô cùng lớn đối với sự phát triển của ngành công nghiệp, là nền tảng để duy trì sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây còn là ngành đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ năng lượng trên toàn cầu. 

Đối với kinh tế Việt Nam, ngành Kỹ thuật - Dầu khí đóng góp phần lớn ngoại tệ cho quốc gia với các sản phẩm phục vụ nền kinh tế như điện khí, xăng dầu, khí nén cao áp và năng lượng sạch. Trong giai đoạn vừa qua, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã cung cấp gần 35 tỷ m3 khí khô cho sản xuất, 40% sản lượng điện của toàn quốc, 35-40% nhu cầu ure và cung cấp 70% nhu cầu khí hóa lỏng cho phát triển công nghiệp và tiêu dùng dân sinh.

Ngành Kỹ thuật - Dầu khí Việt Nam hiện nay khá non trẻ với nguồn nhân lực còn hạn chế nên năng lực cung cấp chưa đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng. 

Đánh giá về thị trường lao động ngành dầu khí, theo tiến sĩ Tạ Quốc Dũng – phó khoa phụ trách đào tạo, Khoa Kỹ thuật địa chất – dầu khí, Đại học Bách Khoa ĐHQG - HCM, nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành này ở hiện tại và tương lai ít nhất 5 - 10 năm tới là rất dồi dào, bởi ở nước ta hiện nay đang tiếp tục mở rộng khai thác dầu tại các mỏ nhỏ và các dự án hợp tác với đối tác nước ngoài ngày càng tăng.

Ngành "Kỹ sư ngàn đô" nhưng không phải ai cũng làm được

Dầu khí hiện nay đang là ngành kinh tế trọng điểm tại nước ta với yêu cầu rất lớn về nguồn nhân lực cùng với mức thu nhập hấp dẫn.

Tiến sĩ Mai Cao Lân, Trưởng Bộ môn Khoan và Khai thác Dầu khí, Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí, Trường Đại học Bách Khoa ĐHQG-HCM cho biết, hằng năm, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp của khoa luôn đạt hơn 85%. Đồng thời, tỷ lệ sinh viên tìm được việc làm sau 2 năm ra trường chiếm đến 70%. Sinh viên sau khi ra trường có thể đảm nhận các vị trí như:

- Kỹ sư khoan dầu khí làm việc tại công trình khai thác dầu khí ngoài biển như: giàn khoan, giàn công nghệ trung tâm… đảm nhận nhiệm vụ điều khiển, theo dõi để phát hiện và xử lý kịp thời sự cố ở giếng.

- Làm việc trong viện nghiên cứu: Viện hóa học công nghiệp, Viện công nghệ hóa hay phòng nghiên cứu của các công ty dầu khí

- Làm nhà tư vấn, dựa trên tình hình khai thác dầu khí thực tế để đề xuất những chính sách phát triển ngành Kỹ thuật - Dầu khí một cách bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

- Làm giảng viên tham gia giảng dạy môn học chuyên ngành trong các trường Đại học - Cao đẳng…

Ở Việt Nam, kỹ sư dầu khí mới ra trường có lương khoảng 500 - 1.000 USD/ tháng (tương đương 12,4 - 24,8 triệu đồng), từ 4, 5 năm trở lên thì lương dao động trong khoảng 30 - 50 triệu/tháng, thu nhập của các chuyên gia có thể được tính theo ngày (12 - 23 triệu đồng/ngày, thậm chí là 2.000 USD/ngày tương đương 46 triệu đồng/ngày làm việc).

Tuy vậy nghề này áp lực cạnh tranh rất cao, phải thường xuyên làm việc tại nhà giàn hoặc đi khảo sát dài ngày tại hiện trường. Do đó, kỹ sư dầu khí phải thật sự giỏi nghề, có sức khỏe tốt, giỏi tiếng Anh và có trình độ kỹ năng mềm đạt theo chuẩn quốc tế.

Ngành học được Phó Thủ tướng phê duyệt đến năm 2030 đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực đại học, mức lương lên đến hàng chục triệu đồng/tháng

Ngành học 'khát nhân lực' có 1,5 triệu cơ hội việc làm, mức lương lên tới 30 triệu đồng/tháng, sinh viên ra trường không lo thất nghiệp

Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Ngành học lọt top 100 thế giới, lương tính bằng USD nhưng vẫn khát nhân lực
    POWERED BY ONECMS & INTECH