Vĩ mô

Ngành thuế thu hơn 4.000 tỷ đồng nhờ vào biện pháp này

Phúc Lam 22/12/2024 13:02

Từ đầu năm 2024, ngành thuế đã tăng cường áp dụng nhiều biện pháp cưỡng chế đối với những trường hợp chây ỳ, có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bỏ trốn. Trong đó, tạm hoãn xuất cảnh là một trong những giải pháp nổi bật.

Theo đó, Tổng cục Thuế đã phát hành hơn 58.680 thông báo tạm hoãn xuất cảnh với tổng tiền nợ 80.512 tỷ đồng. Số tiền đã thu hồi được khoảng 4.289 tỷ đồng của gần 6.500 người nợ thuế trong năm nay. Tính chung cả năm, số thu nợ thuế qua tạm hoãn xuất cảnh gấp gần 5 lần so với con số được công bố giữa năm nay.

Ngoài tạm hoãn xuất cảnh, nhiều biện pháp khác được ngành thuế áp dụng như: kê biên tài sản, thu qua hóa đơn, công khai thông tin vi phạm. Bên cạnh đó, ngành thuế cũng tăng cường triển khai ứng dụng eTax Mobile giúp người nộp thuế cập nhật nghĩa vụ, các khoản nợ thuế. Những biện pháp quyết liệt này đã giúp cơ quan thuế thu hồi tổng cộng 61.227 tỷ đồng nợ đọng thuế trong năm nay, so với cùng kỳ ghi nhận tăng 33,2%.

Theo quy định hiện nay, ngưỡng nợ thuế bị xem xét, áp dụng biện pháp cưỡng chế tạm hoãn xuất cảnh chưa được nêu cụ thể. Điều này nghĩa là nợ thuế quá hạn 1 đồng cũng có thể bị cưỡng chế.

Sáng 20/12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8. Ông Hoàng Thái Sơn, Vụ trưởng Pháp chế - Bộ Tài chính cho biết, trong dự thảo mới nhất của Chính phủ quy định về ngưỡng nợ thuế và thời gian nợ đối với các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh, Bộ Tài chính đã đề xuất nâng mức nợ thuế quá hạn 120 ngày đối với cá nhân, chủ hộ kinh doanh lên mức 50 triệu đồng. Mức này tăng 40 triệu đồng so với dự thảo hồi đầu tháng 12/2024.

Mức 50 triệu đồng này được Vụ trưởng Vụ pháp chế - Bộ Tài chính cho biết, phù hợp với kinh nghiệm quốc tế. Một số quốc gia như Trung Quốc, Malaysia, Mỹ,... áp dụng chính sách hạn chế đi lại với các cá nhân có nợ thuế lớn và thời gian nợ dài.

Ngành thuế thu hơn 4.000 tỷ đồng nhờ vào biện pháp này
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Ngoài ra, từ 1/1/2025, đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế bao gồm cả cá nhân và hộ kinh doanh.

Cụ thể, khoản 1 Điều 66 Luật Quản lý thuế 2019 đã được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 6 Luật số 56/2024/QH15, quy định hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh như sau:

Cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuộc trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, cá nhân là người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế đối với số tiền thuế nợ và thời gian nợ theo ngưỡng do Chính phủ quy định thì bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh. Cơ quan quản lý thuế thông báo trước cho người nộp thuế về việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.

Trước đây, việc tạm hoãn xuất cảnh chỉ áp dụng đối với tổ chức và các cá nhân đại diện pháp luật của doanh nghiệp.

Tạm hoãn xuất cảnh khi nợ thuế là một vũ khí mạnh mẽ để xử lý những trường hợp trì trệ trong việc thực hiện trách nhiệm đóng thuế của bản thân. Đây là biện pháp hữu hiệu không chỉ để mỗi cá nhân nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ thuế mà còn là hàng rào chắn hiệu quả chống lại hành vi tẩu tán tài sản và bỏ trốn.

>>2 thay đổi mới về chính sách thuế từ năm 2025: Cá nhân, hộ kinh doanh cần biết

Đề xuất nợ thuế 50 triệu đồng bị tạm hoãn xuất cảnh

Đề xuất: Người dân báo tin vi phạm giao thông có thể được thưởng đến 5 triệu đồng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nganh-thue-thu-hon-4000-ty-dong-nho-vao-bien-phap-nay-267195.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Ngành thuế thu hơn 4.000 tỷ đồng nhờ vào biện pháp này
    POWERED BY ONECMS & INTECH