2 thay đổi mới về chính sách thuế từ năm 2025: Cá nhân, hộ kinh doanh cần biết
Ngày 29/11/2024, Quốc hội đã thông qua Luật số 56/2024/QH15. Theo đó sẽ sửa đổi, bổ sung 9 Luật (Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Quản lý thuế,...) và có hiệu lực năm 2025.
Từ 1/1/2025, chủ hộ kinh doanh nợ thuế bị cấm xuất cảnh
Theo đó, khoản 1 Điều 66 Luật Quản lý thuế 2019 đã được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 6 Luật số 56/2024/QH15, quy định hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh như sau:
Cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuộc trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, cá nhân là người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế đối với số tiền thuế nợ và thời gian nợ theo ngưỡng do Chính phủ quy định thì bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh. Cơ quan quản lý thuế thông báo trước cho người nộp thuế về việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.
Như vậy, từ ngày 1/1/2025, đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh bao gồm cả cá nhân và hộ kinh doanh.
Trước đây, việc tạm hoãn xuất cảnh chỉ áp dụng đối với tổ chức và các cá nhân đại diện pháp luật của doanh nghiệp.
Tạm hoãn xuất cảnh khi nợ thuế là một vũ khí mạnh mẽ để xử lý những trường hợp trì trệ trong việc thực hiện trách nhiệm đóng thuế của bản thân. Đây là biện pháp hữu hiệu không chỉ để mỗi cá nhân nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ thuế mà còn là hàng rào chắn hiệu quả chống lại hành vi tẩu tán tài sản và bỏ trốn.
![]() |
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Từ 1/4/2025, sàn thương mại điện tử nộp thuế thay cho người bán hàng
Tại điểm b khoản 5 Điều 6 Luật số 56/2024/QH15 quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế 2019 như sau:
Đối với hộ, cá nhân có hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số thì tổ chức là nhà quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử, nhà quản lý nền tảng số có chức năng thanh toán (bao gồm cả tổ chức trong nước và nước ngoài) và các tổ chức có hoạt động kinh tế số khác theo quy định của Chính phủ thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay, kê khai số thuế đã khấu trừ cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Trường hợp hộ, cá nhân có hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số không thuộc đối tượng được khấu trừ, nộp thuế thay thì có nghĩa vụ trực tiếp đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế.
Chính phủ quy định chi tiết phạm vi trách nhiệm và cách thức các tổ chức quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử, quản lý nền tảng số và các tổ chức có hoạt động kinh tế số khác thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay, kê khai số thuế đã khấu trừ đối với các giao dịch kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số của các hộ, cá nhân; về hồ sơ, thủ tục khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế của các hộ, cá nhân có hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số.
Luật sửa đổi 9 Luật 2024, số 56/2024/QH15 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 nhưng tại khoản 5 Điều 10 về hiệu lực thi hành nêu rõ: Quy định tại điểm b khoản 5 Điều 6 của Luật này có hiệu lực thi hành từ 1/4/2025.
Như vậy, từ ngày 1/4/2025, sàn thương mại điện tử phải nộp thuế thay cho người bán hàng.
>>Temu phải đóng những thuế gì và nộp thuế thế nào tại Việt Nam?
Nợ thuế 10 triệu bị cấm xuất cảnh: Cảnh báo số người bị cấm xuất cảnh sẽ rất cao
VCCI đề xuất cá nhân nợ thuế từ 200 triệu mới bị cấm xuất cảnh