Ngành tỷ đô càng phát triển thì 'núi rác thải' nhựa càng phình to: Tăng lên 800.000 tấn vào năm 2023
Đây là bài toán khó để đưa ngành này phát triển hướng bền vững và thân thiện với môi trường.
Theo các nghiên cứu gần đây, tổng giá trị thương mại điện tử toàn cầu đã chạm mốc gần 4,9 nghìn tỷ USD vào năm 2023 và dự báo sẽ tăng lên gần 6,4 nghìn tỷ USD vào năm 2024. Với tốc độ tăng trưởng ấn tượng, trung bình khoảng 14% mỗi năm từ 2021 đến 2023. Thương mại điện tử tại Việt Nam cũng đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng trưởng hàng năm trên 25%. Tuy nhiên, đi kèm với sự tiện lợi và phát triển là những tác động tiêu cực đến môi trường, đặc biệt là lượng rác thải nhựa khổng lồ.
Theo báo cáo năm 2023 của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), ngành thương mại điện tử tại Việt Nam tiêu thụ khoảng 332.000 tấn bao bì, trong đó 171.000 tấn là bao bì nhựa. Nếu không có giải pháp kịp thời, dự báo đến năm 2030, lượng rác thải nhựa từ thương mại điện tử có thể tăng lên 800.000 tấn, tạo ra áp lực khổng lồ lên môi trường.
Đặc biệt, phần lớn các hoạt động thương mại điện tử tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng – những khu vực gần các dòng sông và biển. Rác thải nhựa không được xử lý hiệu quả có nguy cơ cao trôi ra biển, gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái và đời sống con người.
Phần lớn các hoạt động thương mại điện tử tập trung tại các thành phố lớn. Ảnh minh họa |
Một gói hàng thông thường được đóng gói với nhiều lớp bao bì như thùng carton, túi nhựa, màng co, túi khí đệm… Hóa mỹ phẩm còn phức tạp hơn, cần bọc thêm bong bóng khí để bảo vệ sản phẩm. Mặc dù đảm bảo hàng hóa không bị hư hỏng, nhưng việc đóng gói này vô tình tạo ra lượng rác thải khổng lồ.
>> Sim 'lục quý 9' tiền tỷ bị khóa sau 3 tháng không sử dụng, nhà mạng Vinaphone lên tiếng
Thống kê cho thấy, riêng năm 2023, các doanh nghiệp thương mại điện tử tại Việt Nam đã sử dụng 160.000 tấn bìa carton và 145.000 tấn nhựa. Các chuyên gia nhận định, nếu không tối ưu hóa khâu đóng gói, lượng rác thải sẽ tiếp tục tăng không kiểm soát, gây nguy cơ lớn cho môi trường.
Để giảm thiểu tác động tiêu cực, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã triển khai các sáng kiến “xanh hóa”. Lazada tái sử dụng thùng carton làm vật liệu lấp đầy, đồng thời hợp tác với các đối tác tại Singapore để triển khai chương trình trả lại thùng carton sau giao hàng. Tuy nhiên, sáng kiến này chưa được áp dụng tại Việt Nam.
Amazon đưa ra chính sách khuyến khích nhà bán hàng sử dụng bao bì tùy chỉnh, giúp giảm vật liệu đóng gói, tối ưu không gian trên xe tải, từ đó giảm lượng khí thải carbon. Viettel Post cũng hướng đến sử dụng vật liệu bền vững trong khâu giao hàng chặng cuối, thay thế các loại bao bì dùng một lần bằng loại có thể tái sử dụng đến 200 lần.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp như Grab, Ahamove, Viettel Post đã chuyển đổi dần sang sử dụng xe điện để giao hàng. Tuy nhiên, hạ tầng trạm sạc và thời gian sạc pin lâu vẫn là thách thức lớn, ảnh hưởng đến thu nhập của tài xế.
Người tiêu dùng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một nền thương mại điện tử xanh. Các chuyên gia kêu gọi người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn sản phẩm thân thiện môi trường, gộp đơn hàng nhỏ lẻ để giảm số chuyến giao hàng, hoặc chấp nhận thời gian giao hàng lâu hơn nhằm hạn chế phát thải từ dịch vụ giao hỏa tốc.
Nếu không tối ưu hóa khâu đóng gói, lượng rác thải sẽ tiếp tục tăng không kiểm soát. Ảnh minh họa |
Báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết hợp các biện pháp giảm thiểu và tái chế vật liệu đóng gói. Các nền tảng cần triển khai thuật toán tối ưu quãng đường di chuyển và tăng cường sử dụng xe điện để giảm dấu chân carbon.
Không chỉ thương mại điện tử, ngành giao đồ ăn trực tuyến cũng là nguồn phát thải nhựa khổng lồ. Theo WWF, để đạt doanh thu 1 tỷ USD, ngành này thải ra tới 18.600 tấn nhựa, chủ yếu là loại dùng một lần.
Các doanh nghiệp như Grab đã nỗ lực giảm phát thải bằng cách khuyến khích khách hàng từ chối dụng cụ ăn uống nhựa. Tuy nhiên, việc thực thi vẫn gặp khó khăn, khi nhiều nhà hàng tiếp tục sử dụng đồ nhựa dù khách hàng đã từ chối.
Để giải quyết vấn đề rác thải nhựa, cần sự phối hợp đồng bộ giữa doanh nghiệp, cơ quan quản lý và người tiêu dùng. Bộ Công Thương đã đề xuất xây dựng tiêu chí hướng dẫn doanh nghiệp xanh, cùng các chính sách hỗ trợ sáng kiến bảo vệ môi trường.
Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cũng kêu gọi các nền tảng triển khai giải pháp giảm rác thải nhựa, đồng thời nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tác động môi trường. Mỗi hành động nhỏ từ người tiêu dùng, như chọn sản phẩm có nhãn sinh thái hay gộp đơn hàng, đều góp phần xây dựng một tương lai thương mại điện tử bền vững.
Bài toán rác thải nhựa không thể giải quyết trong một sớm một chiều, nhưng với nỗ lực đồng lòng từ các bên, Việt Nam hoàn toàn có thể biến thách thức này thành cơ hội, đưa thương mại điện tử phát triển theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường.
>> Kỷ lục mới của VinFast: Hơn 16.000 ô tô điện được giao trong tháng 11, mỗi ngày bàn giao 530 xe
Nhà khoa học VinFuture hiến kế hóa giải cuộc khủng hoảng rác thải nhựa toàn cầu
Cơ sở y tế ở Nam Định bị bỏ hoang, thành nơi đổ rác thải sinh hoạt