Nghệ sĩ đầu tiên của Việt Nam được phong hàm cấp tướng, từng làm lãnh đạo trường Quân đội, tên sắp được chọn đặt cho 1 con đường
Ông không chỉ là một tên tuổi lớn trong làng âm nhạc Việt Nam mà còn là nghệ sĩ đầu tiên của đất nước được phong hàm cấp tướng.
Nhạc sĩ An Thuyên sinh ngày 15/8/1949 tại vùng quê Quỳnh Lưu, Nghệ An. Mảnh đất dân ca trù phú của quê hương đã nuôi dưỡng tâm hồn nghệ thuật của ông. Giống như nhiều tướng lĩnh quân đội khác, nhạc sĩ An Thuyên bắt đầu con đường binh nghiệp từ vị trí lính binh nhì.
Ông từng là lính văn nghệ của Tỉnh đội Nghệ An và từ bài hát đầu tay "Em chọn lối này," ông được đưa về Đoàn Nghệ thuật Quân khu IV và sau đó được gửi đi học sáng tác âm nhạc tại Nhạc viện Hà Nội. Sau đó, ông về công tác tại Trường Nghệ thuật Quân đội (nay là Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội).
Nhạc sĩ An Thuyên là Hiệu trưởng của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội trong suốt hơn 20 năm. Cùng với tập thể lãnh đạo của trường, ông đã góp phần xây dựng nhà trường theo hướng chính quy hiện đại, đào tạo nên một thế hệ nghệ sĩ mới cho các đoàn nghệ thuật quân đội.
Nhạc sĩ An Thuyên được biết đến với nhiều ca khúc nổi tiếng như Em chọn lối này, Huế thương, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Chín bậc tình yêu, Ca dao em và tôi, Mẹ Việt Nam anh hùng,...
Trong suốt sự nghiệp của mình, nhạc sĩ sinh năm 1949 đã đạt được nhiều giải thưởng quan trọng. Đáng chú ý là Giải thưởng của Bộ Quốc phòng cho ca khúc "Hành quân lên Tây Bắc. Bên cạnh đó, ông còn giành được Giải nhất của Bộ Văn hóa - Thông tin và Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho ca khúc "Khi xe tăng qua miền quan họ" và "Mẹ Việt Nam anh hùng". Ca khúc "Chín bậc tình yêu" của ông đã được trao Giải Nhì Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1992. Đến năm 2007, ông vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.
Ngày 2/1/2008, nhạc sĩ An Thuyên trở thành nhạc sĩ đầu tiên ở Việt Nam được phong quân hàm Thiếu tướng. Trước đó, ông cũng đã được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
Ngày 3/7/2015, ông rời cõi tạm do nhồi máu cơ tim, để lại niềm thương tiếc vô cùng cho các gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp và học trò. Dù đã ra đi nhưng những di sản âm nhạc mà nhạc sĩ An Thuyên để lại vẫn còn sống mãi với thời gian. Những giai điệu, lời ca của ông đã và đang tiếp tục truyền cảm hứng cho bao thế hệ nghệ sĩ và khán giả. Ông đã góp phần không nhỏ trong việc gìn giữ và phát triển nền âm nhạc dân tộc, đem đến cho khán giả những tác phẩm âm nhạc đậm chất văn hóa và tâm hồn Việt.
Vào tháng 6 vừa qua, Tờ trình số 4339/TTr-UBND trình HĐND tỉnh Nghệ An có đề cập đến vấn đề xem xét thông qua việc đặt tên đường tại thành phố Vinh đợt 7 tại kỳ họp thường kỳ giữa năm 2024. Nhạc sĩ An Thuyên trở thành một trong nhiều cái tên được đề xuất đặt tên đường để nhằm vinh danh những cống hiến của ông trong lĩnh vực âm nhạc, văn hóa, nghệ thuật.
Tổng hợp