Nghị quyết 68 kích hoạt làn sóng đầu tư mới: Hơn 30 cổ phiếu sẵn sàng bứt tốc
Theo báo cáo ngành quý II/2025 của CTCP Chứng khoán BIDV (BSC), hơn 30 doanh nghiệp niêm yết đang đứng trước cơ hội "hưởng lợi kép", vừa đón dòng vốn kích cầu, vừa được tiếp sức dài hạn từ cải cách thể chế.
![]() |
Ảnh minh họa |
Trong danh sách được BSC cập nhật, nhiều cổ phiếu hiện ở vùng định giá hấp dẫn, mở ra cơ hội giải ngân cho nhà đầu tư trung – dài hạn.
Đầu tư công lan tỏa, xây dựng - bất động sản hưởng lợi:Cụ thể, nhóm cổ phiếu như Hòa Phát (HPG), Coteccons (CTD), Vinaconex (VCG), Đèo Cả (HHV) sẽ là những cái tên đầu tiên được hưởng lợi từ vai trò cung ứng vật liệu và nhà thầu cho các công trình trọng điểm. Trong khi đó, các “ông lớn” như Vinhomes (VHM), Vingroup (VIC), Đất Xanh (DXG) có thể đẩy mạnh phát triển các dự án đô thị và nhà ở xã hội, tận dụng nhu cầu dân cư vệ tinh tăng nhanh quanh các trục cao tốc, sân bay và cảng biển mới.
Làn sóng đầu tư quay trở lại nhóm dầu khí – năng lượng: Ở khu vực năng lượng, các dự án trọng điểm như Lô B – Ô Môn, điện khí LNG đang được tái khởi động. Các doanh nghiệp tiêu biểu gồm PTSC (PVS), PV GAS (GAS) và PV Coating (PVB) sẽ được hưởng lợi nhờ khối lượng công việc xây lắp, cơ điện, trung chuyển khí gia tăng từ nửa cuối 2025.
Hàng không – bán lẻ hưởng lợi từ phục hồi tiêu dùng và visa mới: Cùng với chính sách visa điện tử mở rộng và dòng khách du lịch tăng trở lại, nhóm hàng không và bán lẻ tiếp tục ghi nhận tín hiệu tích cực. Cổ phiếu Vietnam Airlines (HVN), Vietjet (VJC), ACV, cùng với FPT Retail (FRT), Thế giới Di động (MWG), Masan (MSN), Vincom Retail (VRE) đang dẫn đầu xu hướng phục hồi tiêu dùng và dịch chuyển thương mại quốc tế.
Ngân hàng – điểm tựa dòng vốn nền kinh tế: Là kênh dẫn vốn chủ lực, nhóm ngân hàng tiếp tục giữ vai trò then chốt. Các ngân hàng như BIDV (BID), Vietcombank (VCB), VietinBank (CTG), Techcombank (TCB), MBBank (MBB), HDBank (HDB), VPBank (VPB) và ACB được đánh giá cao nhờ tệp khách hàng lớn, năng lực công nghệ và khả năng đẩy mạnh tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh và người tiêu dùng.
Các nhóm khác cũng nổi sóng: Nhóm nông sản và thực phẩm cũng đang được hưởng lợi khi nhập khẩu nguyên liệu từ Mỹ với chi phí thấp hơn. Các doanh nghiệp như Dabaco (DBC), BAF sẽ được giảm đáng kể giá đầu vào. Tương tự, nhóm năng lượng như GAS, POW, NT2 cũng hưởng lợi nhờ nguồn cung LNG ổn định, giúp hạ giá vận hành. Trong lĩnh vực hàng không, việc đàm phán giá máy bay trong bối cảnh thương mại song phương tích cực hơn sẽ là lợi thế lớn cho HVN và VJC.
Cơ hội dài hạn cho nhà đầu tư giá trị
Một điểm nhấn nổi bật đến từ Nghị quyết 68-NQ/TW mới được Bộ Chính trị ban hành, xác lập rõ vai trò trung tâm của khu vực kinh tế tư nhân trong tiến trình phát triển quốc gia. Theo ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc phân tích khách hàng cá nhân tại Yuanta Việt Nam: “Nghị quyết 68 sẽ tạo cú hích lớn cho doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt trong tiếp cận nguồn vốn trung – dài hạn”.
Các tập đoàn đa ngành như Vingroup, Masan, Viettel, Hòa Phát, Gelex, Geleximco… được kỳ vọng hưởng lợi nhiều nhất từ chính sách ưu đãi, khuyến khích đổi mới công nghệ và phát triển sản phẩm.
Đồng thời, định hướng phát triển các kênh huy động vốn trên thị trường chứng khoán sẽ giúp doanh nghiệp tư nhân mở rộng IPO, giảm phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng, đồng thời thu hút dòng vốn quốc tế. Đây là tiền đề quan trọng để Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán vào năm 2025.
Dù môi trường đầu tư toàn cầu còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, song các chuyên gia cho rằng đây là thời điểm phù hợp để nhà đầu tư xây dựng danh mục trung – dài hạn. Ưu tiên vẫn là các cổ phiếu đầu ngành, có nền tảng tài chính vững chắc và được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách.
Tổng hòa các yếu tố trên cho thấy với một chiến lược đầu tư thận trọng, có chọn lọc, cơ hội sinh lời trong giai đoạn nửa cuối năm 2025 đang mở rộng rõ rệt, đặc biệt tại các doanh nghiệp có khả năng chuyển hóa chính sách thành hiệu quả thực tế.