Tài chính Ngân hàng

Nghịch lý: Nền kinh tế khát vốn nhưng không hấp thụ được vốn

Linh Nhi 16/10/2023 - 14:28

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh chỉ rõ, nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn.

Tiếp tục phiên họp thứ 27, sáng 16/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế.

Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, Chính phủ cho biết các nhóm chỉ tiêu về xử lý nợ xấu và đảm bảo an toàn vốn tại các tổ chức tín dụng cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát.

Theo thống kê, đến cuối tháng 6/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng ở mức 3,36% (cuối năm 2020 là 1,69%, năm 2021 là 1,49%, năm 2022 là 2%). Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu so với tổng dư nợ ở mức 5,1%.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhận định, tiếp cận tín dụng còn khó khăn, tăng trưởng tín dụng đạt thấp, nợ xấu có xu hướng tăng. Vốn đăng ký bình quân của doanh nghiệp thành lập mới có xu hướng giảm.

Thẩm tra báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, Ủy ban Kinh tế đã đề nghị Chính phủ quan tâm, tập trung đánh giá kỹ hơn về vấn đề nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn, mặc dù mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất cho vay giảm nhưng dư nợ tín dụng đến ngày 21/9/2023 chỉ tăng 5,91% so với cuối năm 2022.

"Lãi suất điều hành đã được điều chỉnh giảm 4 lần với mức giảm 0,5-2,0%/năm nhưng lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở thời điểm cuối tháng 8/2023 chỉ giảm khoảng 1,0% so với cuối năm 2022", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu.

Đặc biệt, lạm phát đã có dấu hiệu đảo chiều tăng trong 3 tháng gần đây, tỉ giá cũng có những biến động mạnh trong tháng 8, tháng 9. Lạm phát cơ bản 9 tháng là 4,49%, cao hơn nhiều so với lạm phát tổng thể sẽ ảnh hưởng đến không gian chính sách tiền tệ, hạn chế việc tăng cung tiền, tăng dư nợ tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng.

Nghịch lý: Nền kinh tế khát vốn nhưng không hấp thụ được vốn

Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, theo Ủy ban Kinh tế là do tác động, ảnh hưởng nặng nề của các yếu tố bất lợi từ bên ngoài và những hạn chế, bất cập từ nội tại nền kinh tế tích tụ trong thời gian dài chưa được xử lý dứt điểm, nhất là trong bối cảnh thế giới biến động, không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ.

Trong khi nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi, có quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu với các cú sốc từ bên ngoài và khả năng cạnh tranh còn hạn chế.

Công tác dự báo chưa sát, vai trò quản lý nhà nước, tham mưu, phản ứng chính sách, sự phối hợp của một số bộ, ngành trong một số trường hợp chưa kịp thời, quyết liệt, có nơi, có lúc còn bị động, lúng túng, hiệu quả chưa cao; hiệu quả chính sách có độ trễ.

“Việc tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách, thực thi công vụ vẫn là khâu yếu. Một bộ cán bộ thực thi còn có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai trong triển khai công vụ; chậm phản ứng chính sách đối với các biến động của nền kinh tế” – báo cáo nêu rõ.

VPBank sắp chia cổ tức, lãnh đạo ngân hàng có thêm hàng trăm tỷ

Cổ phiếu ngân hàng đang về mức hấp dẫn, chuyên gia kỳ vọng sẽ tái định giá ở mức cao hơn

Khoản nợ gần 300 tỷ thế chấp bằng khu vui chơi giải trí Suối Cát được rao bán

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nghich-ly-nen-kinh-te-khat-von-nhung-khong-hap-thu-duoc-von-205977.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Nghịch lý: Nền kinh tế khát vốn nhưng không hấp thụ được vốn
POWERED BY ONECMS & INTECH